ẤN ĐỘ: QUẦN THỂ HANG ĐỘNG TAM GIÁO ELLORA, (Phần 1).

*Nếu cần bấm hai lần vào tựa bài để mở bài.

.Phải tuân thủ luật Tác quyền Copyright.

ẤN ĐỘ: QUẦN THỂ HANG ĐỘNG TAM GIÁO ELLORA.

(Phần 1).

Nguyễn Xuân Quang.

IMG_4280

Mặt tiền Hang 16 Đền Kailasa thờ Thần Shiva, ngôi đền chủ yếu của Quần Thể Hang Động Tam Giáo Ellora.

Chúng tôi bay từ Kochi về Aurangabad thuộc tiểu bang Maharashtra có Mumbai (Bombay) là thủ đô. Mục đích chính là viếng thăm hai vùng hang động nổi tiếng thế giới mà chúng tôi hằng mong ước là quần thể hang động Ajanta (đã viết, nên xem các bài viết về Ajanta trước khi đọc loạt bài này) và Ellora của tiểu bang này.

clip_image002

Quần thể đền thứ hai Ellora là một quần thể ba tôn giáo (Tam giáo) Phật giáo, Ấn giáo và Chinh Phục giáo (Jainism).

Kỳ quan này là do một đức tin vô bờ bến cùng với sức người kiên trì tạo nên: chỉ với những bàn tay búa, đục đã biến cả dẫy núi đá thành nơi thờ phượng, nhìn thấy mà ngẩn ngơ, mất hồn.

Riêng đối với tôi: đây là một chứng tích rành rành, kiên cố, thuyết phục nhất của vũ trụ tạo sinh, vũ trụ giáo, chữ viết nòng nọc vòng tròn-que thấy qua hiện vật của Sử Đá Tam giáo (Phật giáo-Ấn giáo-Chinh Phục giáo).

Hai quần thể hang động này là kỳ quan thế giới, đẹp nhất trong tất cả các kiến trúc trung cổ Ấn Độ và đã được thừa nhận là địa danh Di Sản Thế Giới UNESCO.

-Là một kiến trúc hang động siêu việt của Ấn Độ nói riêng và của nhân loại nói chung.

-Là một bộ Sử Đá của Tam giáo, ghi khắc lại triết thuyết, giáo lý, truyền thuyết Tam giáo.

-Là một kho báu văn hóa của của Ấn Độ nói riêng.

Tổng Quát.

Ellora tên cổ là Elapura ở rặng núi Indhaydri cách tỉnh Aurangabad 28 km.

Quần thể hang động Ellora gồm có 34 hang động.

clip_image004

Quần thể Hang Tam Giáo Ellora (Mittal Publishing).

Khu hang động đầu tiên (hang 1 tới 12) ở Ellora là Phật giáo làm vào thời Chalukayas vùng Vatavikoda (hiện nay là Badami ở Bijapur) vào khoảng năm 600 (Sau Dương Lịch). Tới năm 700 (Sau Dương Lịch). Lúc này Phật giáo đã bắt đầu xuống, suy tàn ở Ấn Độ.

Kế tiếp là khu hang động Ấn giáo (từ hang 13 tới 29) làm vào khoảng 700 tới 800 năm (Sau Dương Lịch).

Sau cùng là khu hang động Chinh Phục giáo (từ hang 30 tới 34) làm vào khoảng 800 tới 1000 năm (Sau Dương Lịch). Hang động Ấn giáo và Chinh Phục giáo làm dưới sự bảo hộ của triều đại Rashtrakuta.

Về thời gian, các hang động Ellora bắt khởi đầu tạo dựng vào lúc các hang động Ajanta chấm dứt. Vì một lý do chưa rõ là các hang động Ajanta đột nhiên ngừng làm và chuyển về bắt đầu làm ở Ellora.

Đây là một ví dụ vĩ đại nhất thế giới về kiến trúc đục vách núi đá tạo thành các hang động đền đài.

Vào thời Gupta từ thế kỷ thứ 6 tới thứ 8 (Sau Dương Lịch). Hàng ngàn tấn đá đã đục ra khỏi vách núi.

Các hang động có kiến trúc, điêu khắc và nghệ thuật tuyệt vời.

Các hang động hướng về phía Tây nên đẹp nhất vào lúc xế trưa. Muốn đi xem theo thứ tự từ hang động số 1 tới 34 (nếu có đủ thì giờ) thì khởi đầu đi từ đầu cuối phía đông ở nhóm hang động Phật giáo. Xe buýt chở du khách thường đậu tại bến trước hang động số 16 của đền Ấn giáo chính Kailasnatha.

Nếu không có đủ thì giờ thì chuyên chú vào việc đi thăm ưu tiên các động chọn lựa theo ý mình thích trước rồi thì giờ còn lại sau đó mới đi thăm các hang động khác.

.Rất tiếc trong các hang động không thể chụp ảnh với flash được nên ảnh mờ, tối, nhất là tôi chỉ dùng chiếc máy ảnh nhỏ cho tiện để chụp chớp nhoáng lấy các hình ảnh làm tài liệu viết. Nên mua thêm các hình ảnh hướng dẫn du lịch.

Cũng nên biết giờ mở cửa từ 6 AM tới 6 PM. Đóng cửa ngày thứ 3.

A. KHU HANG ĐỘNG PHẬT GIÁO ELLORA.

Các kiến trúc Phật giáo ở đây gồm 12 hang động từ 1 tới 12. Nhìn tổng quát về mọi mặt đều không sánh bằng các hang Phật giáo ở Ajanta. Vì như đã biết lúc này Phật giáo ở Ấn Độ đã suy tàn.

Về tổng quát các hang Phật giáo tôi đã viết chi tiết ở loạt bài về quần thể Hang Động Phật giáo Ajanta, ở đây chỉ nhắc lại vài điểm chính cần thiết.

Trước hết cần phân biệt đền thờ như chùa, tự gọi là Chaitya với tu viện gọi là Vihara.

Chaitya là nơi dùng thờ Phật, tụng niệm, tĩnh tâm và thiền định. Chaitya có gốc Phạn ngữ Chita là pyre (lửa, dàn hỏa táng) hay pile of ash (đống tro than). Như thế ta thấy rõ chai– ruột thịt với Việt ngữ cháy (có lửa, tro than). Chaitya ruột thịt với caitya có nghĩa là đài, tháp Phật (stupa), trụ kim tự tháp có chứa tro than người chết, liên hệ với chôn cất, mai táng. Vì thế một chaitya đúng nghĩa thường phải có tháp Phật stupa. Thấy một kiến trúc thờ phượng có tháp Phật thì đó là một chaitya. Ở đây trong hang động các chaitya có trần mái vòm trong có tháp Phật.

Còn Vihara, như đã biết, là tu viện (vihara có một nghĩa là academy, viện. Để dễ nhớ: viha-biến âm với viện) dùng làm chỗ qui ẩn, chỗ ở và giảng dậy giáo lý cho các tu sĩ Phật giáo.

Như đã biết một Tu Viện Đại Thừa gồm có sân lộ thiên, hàng hiên, phòng cột (là nơi hội họp, ngồi học, tu tập, thiền định), chính điện thờ Phật thường có tượng Phật với thủ ấn thuyết pháp, giảng giáo lý và hai bên là các phòng dùng làm chỗ ở, nghỉ ngơi.

. Hang Động Số 1 Tu Viện.

Hang số 1 có cấu trúc của một tu viện (vihara). Tu viện hang số 1 này không có gì đặc biệt, chỉ dùng làm chỗ ở.

.Hang Số 2: Hang Động Tu Viện.

clip_image006

Đây là một hang tu viện, đi vào bằng cầu thang đá. Cửa có các thần gác cửa người lùn (warapala). Hai bên có cửa sổ. Phòng Cột chính có 12 cột. Phần đầu cột (capital) hình cây nấm có một khuôn mặt biểu tượng nấm vũ trụ (nấm tam thế, nấm đời sống), một dạng cây vũ trụ (cây tam thế, cây đời sống) diễn đạt trọn vẹn ý nghĩa vũ trụ tạo sinh. Phần đầu cột này cho biết cột có một khuôn mặt trục thế giới.

clip_image008

(ảnh của tác giả).

Nhìn theo lưỡng cực phần đầu và thân nấm của cột có hình nõ dương vật linga và phần chân nấm vòng tròn là nường yoni (lưu ý là ở đây cột tròn nên yoni hình vòng tròn ngành thái âm ). Nọc nòng (dương âm), nõ nường, linga yoni sinh ra tứ tượng, tam thế, cây vũ trụ (cây tam thế, cây đời sống). Ta thấy rõ phần vòm nấm hình bầu là thượng thế, phần thân nấm là trung thế và trục thế giới. Phần chân nấm là hạ thế. Các trụ cột ở đây diễn đạt nấm vũ trụ, tam thế, trục thế giới (ở thế gian là Ba Cõi Đất-Trời- Nước và trục thế gian Đất-Trời).

Ở hang này có 12 trụ cột. Số 12 là số Cấn (4, 12) Đất âm. Cấn lưỡng hợp Đoài theo Tiên Thiên Bát Quái. Mười hai cột Cấn Đoài diễn đạt Đất Trời của Ba Cõi và trục thế gian.

Hang động có 12 trụ cột Cấn Đoài Đất Trời này mang khuôn mặt Đất Trời thế gian.

Nấm này trông giống nõ dương vật là loại nầm dương vật (phallic mushroom).

Đầu trụ nấm dương vật mang hình ảnh trống đồng Đông Sơn Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I) ở dạng trống nguyên thủy, nguyên sơ, cổ đại hay các trống sau này còn giữ truyền thống cổ có dạng dương vật, hình nấm dương vật:

clip_image010

Các trống có hình nõ dương vật (nguồn: Gillet II).

Ta thấy rất rõ trống Đông Sơn Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI là trống nòng nọc (âm dương): phần trên là nõ linga, phần chận tròn, rỗng là nường yoni giống như đầu cột ở đây.

Có những cột có trang trí lá cành xác thực cột liên hệ với trụ thế gian, trục thế giới, cây, nấm vũ trụ (cây tam thế, cây đời sống).

Hai bên có hành lang. Ở giữa tường sau trong cùng có tượng Phật ngồi với hai tượng Phật đứng.

clip_image012

(ảnh của tác giả).

Trên tường mỗi bên có 5 tượng Phật với Bồ Tát và các tiên nữ mây mưa (apsara).

Hang Số 3.

Có phòng Cột trung tâm hình vuông. Chính giữa có Phật ngồi trên tòa sen do các hình Nagas đầu rắn đỡ. Với sự hiện diện của Rắn Nagas cho thấy hang này nghiêng về phái, nhánh âm, Nước,

Có bốn điện thờ ở bốn đầu hành lang có mái .Quanh tường có 12 phòng thiền.

Hang số 4.

Hai tầng, tình trạng xấu. Có tượng Phật ngồi dưới gốc Bồ Đề. Bên cạnh có Tara [Nữ Bồ Tát trong Phật giáo Đại Thừa và Phật Nữ, một khuôn mặt Phật Bà trong Kim Cương Thừa (Vijrayana) Phật giáo Tây Tạng. Tara nghĩa đen là tinh sao, hành tinh (thiên thể sáng) (Ta- biến âm với Tá là lửa như thấy qua cụm từ dồng nghĩa tá hỏa tam tinh, Ba Tư ngữ Tá là lửa, Ai Cập cổ Ptah, thần mặt trời, Việt ngữ Tá Cần Tá Cài là hai thần sáng thế dòng mặt trời của Mường Việt, ông Táo là thần lửa bếp].

Tara là vị cứu tinh, là ngôi sao, là tinh đẩu hướng dẫn đưa đường chỉ lối]. Bhrukuti Tara (có một khuôn mặt là Green Tara bảo vệ, cứu rỗi con người trong các trạng huống gian khổ, hiểm nguy tới sinh mạng như Phật Bà Quán Thế Âm) và Bodhisattva Maitreya (Phật Tương Lai, Di Lạc).

Hang số 5.

clip_image014

Đây là một tu viện biến thể, còn được biết dưới tên là Maharwada, là một hang động một tầng rộng nhất trong 12 động Phật giáo

clip_image016

Hang tu viện số 5 với hai hàng ghế băng đá (ảnh của tác giả).

Sàn Phòng Cột có hai hàng đá cao dùng làm ghế ngồi vì thế được cho là lớp học hay phòng ăn của các tu sĩ và cũng là phòng đại hội. Có 20 phòng ở.

Phòng Cột có 24 cột. Số 24 là số Khôn (0, 8, 16, 24). Khôn lưỡng hợp với Càn diễn đạt càn khôn, tạo hóa, vũ trụ. Như vậy cột mang nghĩa trụ Càn Khôn (trong khi ở hang số 2 như đã nói ở trên, trụ là trụ Trời Đất).

Thật vậy, đầu cột phần trên hình linga dạng nấm dương vật giống các đầu trụ ở hang số 2. Phần trụ dưới dưới hình vuông. Hình vuông là dạng thái dương của nòng O. Thân trụ là Khôn mang tính thái dương lưỡng hợp với đầu cột nõ Càn thái dương. Trụ mang tính Càn Khôn ngành thái dương. Vì trụ dưới hình vuông nên chân của đầu trụ linga có hình yoni vuông mang tính thái dương (trong khi ở hang số 2 có yoni vòng tròn mang tính thái âm).

Ta có đầu trụ hình linga trên yoni vuông. Nõ nường, linga yoni sinh ra tam thế, nấm vũ trụ (tam thế, đời sống)…

Hang động này có 24 trụ cột Khôn Càn Vũ Trụ mang khuôn mặt Vũ Trụ, Tạo Hóa (trong khi, như đã nói ở trên, hang động số 2 có 12 trụ cột Cấn Đoài Đất Trời mang khuôn mặt Đất Trời thế gian).

Lưu Ý

Ta thấy rõ số cột khác nhau (4, 6, 8, 16, 24…) và hình dạng cột khác nhau (tròn, vuông, lục giác, bát giác) mang một ý nghĩa biểu tượng khác nhau trong vũ trụ giáo, dịch học.

Trong cùng là chính điện có tượng Phật ngồi khổng lồ.

clip_image018

Phật ngồi với tay chuyển bánh xe pháp (pháp luân) hay thủ ấn thuyết, giảng pháp.

Hai bên có hai vị Bồ Tát. Ở bên trái, âm là Padmapani và bên phải, dương là Vajrapani (thông thường ở hang tu viện chỉ có một tượng Phật với thủ ấn thuyết pháp).

Như đã biết Padmapani có Padma là hoa sen, liên hoa và Pani tiếng Pali có nghĩa là bàn tay, lòng bàn tay, ruột thịt với Latin palma, Việt ngữ bàn (tay). Theo biến âm p = m (Việt ngữ hiện kim không có P chỉ Mường ngữ mới có P. Mường ngữ Pả cua = mai cua, pả = ma = mu, pá = màn, mùng) ta có pan- = main (Pháp ngữ) = manos (Tây Ban Nha ngữ) = manual (Anh ngữ), thuộc về tay… = mần (Việt ngữ), làm bằng tay (mần ăn, mần việc, mần thịt…); mân mê (tay)… Như thế Bồ Tát Padmapani là Bồ Tát Tay Cầm Hoa Sen, dịch theo chữ Hán là Bồ Tát Liên Hoa Thủ (nặng nề quá!). Hoa sen là hoa mọc dưới nước mang âm tính. Hoa có một khuôn mặt biểu tượng cho bộ phận sinh dục nữ thấy rõ trong Ấn giáo, Phật giáo Mật Tông Tây Tạng (Sự Đời như cái Lá Đa).

Hoa sen biểu tượng bộ phận sinh dục nữ cũng thấy qua chùy kim cương hỗn hợp có đầu diễn tả hoa sen. Chùy kim cương hỗn hợp có thân là nọc, que, là dóng (sấm), là nọc, dương, lửa, chớp, bộ phận sinh dục nam và đầu chùy hình hoa sen biểu tượng cho nòng, nữa, âm, nước, âm đạo… (Một Ngày An Bình Với Đức Dalai Lama).

Như thế Bồ Tát Hoa Sen có bản thể lưỡng tính phái. Đây là một hình tướng của Bồ Tát Avalokiteshvara lưỡng tính phái. Ở Ấn Độ, Tây Tạng là một người nam nhưng ở Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam là một người nữ: Quán Thế Âm Bồ Tát (Phật Bà). Ta cũng thường thấy Phật Bà cầm hoa sen là vậy. Vì thế Bồ Tát Cầm Hoa Sen có một khuôn mặt là Bodhisattva Avalokiteshvara.

Bồ Tát Cầm Hoa Sen biểu tượng cho nòng, âm, cực âm, VŨ của VŨ trụ.

Bên phải, phía dương là Bô Tát Vajrapani. Vajra có nghĩa là: 1. dóng sấm, búa thiên lôi, 2. kim cương. Như thế Vajrapani đích thực là Bồ Tát Tay Cầm Dóng sấm, Búa thiên lôi. Trong nhiều giáo phái khác của Phật giáo chọn nghĩa kim cương thường gọi là chử hay chùy kim cương.

Xin nói một chút về ngôn ngữ học để hiểu rõ từ Vajra.  Va jra có Va j- = Mường ngữ Vác là mác (vật nhọn, sắc), Theo v = m [như men = ven (sông), váng = màng), Vajra có Vaj- = mace (chùy, trượng đầu bịt vàng, bạc dùng làm quyền trượng), liên hệ mật thiết với Việt ngữ mác . Vaj-, mace, mác (chùy, vật nhọn như búa) có một nghĩa là búa thiên lôi, lưỡi tầm sét.

Phái Mật Tông Tây Tạng gọi là kim cương chùy và phái theo kim cương chùy này gọi là Kim Cương Thừa (Vajrayana).

Tại Tây Tạng Kim cương thừa đã hòa nhập với Phật giáo Đại Thừa và được gọi là Lạt Ma giáo.

Người Trung Quốc dịch Vajrapani là Bồ Tát Kim Cương Thủ. Phật giáo Việt Nam gọi theo Trung Quốc, nhiều khi chỉ gọi tắt là Bồ Tát Kim Cương.

Tôi gọi nôm na là Bồ Tát Cầm Dóng Sấm, Búa Thiên Lôi, Bồ Tát Dóng Sấm. Ở Việt Nam cũng có tượng Bồ Tát Vajrapani cầm dóng sấm ở chùa Đọi, Hà Nam.

clip_image019

Tượng đá Bồ Tát Vajrapani ở chùa Đọi, Hà Nam, thế kỷ 12 (Viet Nam National Museum of Fine Arts, Ha Noi).

Bồ Tát Vajrapani là vị bồ tát được tôn thờ nhất trong toàn thể các vị bồ tát Đại Thừa. Ngài với cây búa thiên lôi được cho là vị Bồ Tát có sức mạnh vô song, bảo vệ Phật, tam bảo, các cấu trúc thừa tự và bảo vệ chúng sinh. Thần Heracles (Hercules) của Hy Lạp có thể có cùng bản thể với ngài. Theo tôi, Ông Dóng Phù Đổng Thiên Vương có búa thiên lôi là cây gậy sắt hay dóng tre ngà cũng có cùng bản thể với Bồ Tát Dóng Sấm Vajrapani, cũng có sức mạnh vô song như Hercules. Ông Dóng là Hercules của Việt Nam, có một khuôn mặt tương đương hay hậu thân của Bồ Tát Dóng Sấm Vajrapani. Vì vậy mà ông Dóng bảo vệ nhân dân Việt Nam.

Bồ Tát Cầm Dóng Sấm biểu tượng cho nọc, dương, cực dương, TRỤ của vũ TRỤ.

Hai vị này có một khuôn mặt biểu tượng VŨ TRỤ.

Hai vị Bồ Tát Hoa Sen và Dóng Sấm, Kim Cương này là nòng nọc (âm dương) khi giao hòa với nhau tạo ra vũ trụ muôn sinh, muôn loài, tạo ra vòng sinh tử (luân hồi) và vĩnh hằng theo vũ trụ thuyết thấy rõ trong câu cầu nguyện cột trụ thiêng liêng là Om Mani Padme Hum của Phật giáo Lạt Ma Tây Tạng [như đã biết câu này có nghĩa đen là Hạt Ngọc (Jewel biểu tượng nọc, dương, qui đầu) (tương đương với kim cương) nằm trong hoa sen (nòng, nữ, nường) có một nghĩa nghĩa giao hợp với nhau: nõ trong nường, Thần Nam trong Thần Nữ… nòng nọc (âm dương) giao hòa sinh ra vũ trụ, muôn sinh…

Bồ Tát Cầm Hoa Sen có hai nữ thần hầu cận. Bồ Tát Cầm Chùy Kim Cương trên đầu có các thiên thần lùn trên mây.

Hai vị Bồ Tát ứng với lưỡng cực, lưỡng nghi nên tượng Phật ở đây có một khuôn mặt Vũ Trụ ứng với thái cực. Đây là Phật Tổ Thích Ca có một khuôn mặt Phật Vũ Trụ đội lốt hay là hiện thân của Phật Vũ Trụ Vairocana.

Hang có đường đi vòng quanh (radakshinapatha) điện Phật để tụng niệm, cầu nguyện.

Nhìn dưới diện vũ trụ giáo cả hang Maharwada diễn đạt thái cực, lưỡng nghi, tứ tượng, tam thế, nấm vũ trụ tức trọn vẹn qui trình vũ trụ tạo sinh, vũ trụ thuyết. Với 24 cột Khôn Càn mang tính đại vũ trụ.

Hang số 6

Đại sảnh có cột vuông với hai phòng phụ với nhiều điêu khắc thú vị. Gác tại chính thất có tượng Bồ Tát lớn và Nữ Thần Sông trên cột dính vào tường.

clip_image021

Tượng Mahamayuri, nữ thần học hỏi với con công bên cạnh (ảnh của tác giả).

Một bất ngờ là có vị nữ thần học hỏi Ấn giáo ‘Saraswati’.

Đây là hình ảnh Ấn giáo đã ‘có mặt’ trong Phật giáo.

Hang số 7.

Hang này nằm dưới hang số 6 có 12 phòng chưa làm xong và một tượng Phật ngồi.

Hang số 8.

Chính điện đưa ra ngoài phòng lớn đại sảnh và có lối đi vòng quanh tượng Phật. Đây coi như là Phật ngồi trong một tháp Phật vô hình.

clip_image023

Tượng Phật với thủ ấn thuyết pháp với hai vị Bồ Tát (ảnh của tác giả).

Ngoài ra còn có các tượng ít thấy khác như tượng thần Giầu Sang Panchita và nữ thần Thịnh Vượng Hariti.

clip_image025

Tượng thần Giầu Sang Panchita nữ thần Thịnh Vượng Hariti (ảnh của tác giả).

Tượng thần Giầu Sang Ông Cả Bụng Panchitan có bụng bự là tướng giầu có (bụng rượu, bia, ăn nhậu). Nữ thần Thịnh Vượng Bà Cả Vú Hariti có ngực to tròn như hai quả dừa Xiêm là tướng mắn sinh (‘Đàn bà không vú, Lấy gì nuôi con’, các cụ chọn con dâu có ‘lưng chữ cụ, vú chữ tâm’ no tròn), sung túc (‘lớn vú bụ con’), chân thật (phái nữ không vú thường bị gán cho là hay ‘vu khống’. Dĩ nhiên có khi bị oan). Tuy nhiên Cả vú  nhiều khi đầu óc cũng  kém bén nhậy (To vú lú đầu) và ‘ Cả vú lấp miệng em’ và cũng ‘Cả vú lấp miệng… anh’.  Tôi viết ‘văn chương’ một chút để thấy nghệ thuật điêu khắc ở đây thật tinh xảo và diễn đạt ý nghĩa quá tuyệt vời.

 Hang số 9.

Phải đi qua hang số 6 mới vào được hang số 9. Gồm một phòng nhỏ, một sân lộ thiên với bao lơn (balcony) và một điện thờ. Mặt tiền chạm chổ phong phú với hàng cửa sổ kiểu chaitya phân cách bởi các người lùn.

clip_image027

Mặt tiền (ảnh của tác giả).

Ngoài ra mặt tiền còn có các motifs và thần nhân, một cảnh bất thường là cảnh các nữ thần Tara cứu các tín nhân khỏi hiểm nguy vì rắn, gươm dao, voi, lửa, đắm thuyền.

Hang số 10.

Hang số 10 là một hang có đền thờ (chaitya) duy nhất trong nhóm.

clip_image029

clip_image031

Đây là một đền thờ Đại Thừa thấy rõ qua vòng cung móng ngựa và các thiên thần bay ở cửa ở hành lang tầng trên.

Ở trước có một sân rộng, một cầu thang dẫn lên đền thở. Hành lang chạy quanh có trụ vuông. Dưới chân trụ chỗ vào cửa có hình sư tử có bờm làm liên tưởng tới Đức Phật Thích Ca thuộc dòng họ Sư Tử. Sau hành lang có hai điện thờ chạm khắc phong phú. Mặt tiền có cửa sổ với trang trí các tiên nữ mây mưa.

Phòng có 28 cột. Số 28 là số Cấn tầng 4 (4, 12, 20, 28). Như đã biết Cấn lưỡng hợp với Đoài dạng Đất Trời. Hai mươi tám cột cho biết hang có một khuôn mặt Đất Trời thế gian. Đầu cột cũng có hình nấm và có cột có đầu cột trang trí hoa lá.

Một tượng Phật ‘thuyết pháp’ ngồi trước một tháp.

clip_image033

Hành lang tầng trên, tường trang trí với các cặp tình nhân.

clip_image035

Điểm này cho thấy Phật giáo đã chuyển đổi, rời bỏ thời khổ hạnh lúc ban đầu.

Hang số 11.

Có ba tầng gồm một tầng hầm ở dưới mới khám phá ra sau này. Tầng dưới thấp nhất có hành lang có điện thờ và hai phòng phía sau. Tầng giữa có 8 cột, có 5 phòng chỉ có ba phòng ở giữa đã hoàn tất và có trang trí. Tầng trên cùng, phía sau có điện thờ Phật.

Ngoài ra còn có thêm hình nữ thần Durga và thần Ganesh cho biết là hang đã được dùng bởi các tín đồ Ấn giáo.

Đây là một bằng chứng lúc này còn có sự hòa đồng giữa Ấn giáo và Phật giáo.

Hang số 12.

Hang ba tầng. Tầng dưới cùng có phòng ngủ bằng băng đá (stone benches). Tầng giữa có một đại sảnh.

Tầng trên cùng rất đặc biệt có 14 tượng Phật rất gợi cảm. Bẩy tượng Phật thuyết pháp:

clip_image037

Bẩy tượng Phật thuyết pháp với thủ ấn quay bánh xe pháp.

và bẩy tượng Phật định thiền.

clip_image039

Bẩy tượng Phật Định Thiền với thủ ấn định thiền.

Có giải thích cho là theo giáo lý Phật giáo thì hàng bẩy tượng Phật mang ý nghĩa biểu tượng, tin rằng Phật xuất hiện trên thế gian cứ 5.000 năm một lần và đã xuất hiện 7 lần.

Căn cứ vào đâu mà giải thích như vậy? Dĩ nhiên dựa vào vũ trụ giáo, dịch học.

Bẩy tượng Phật thuyết giảng Pháp cho con người là Phật thế gian. Số 7 là số Càn lưỡng hợp với Khôn. Bánh xe pháp chuyển động mang dương tính nên Khôn mang tính động. Khôn chuyển động là Khôn dương, không gian dương, khi gió, Trời (Bầu) thế gian. Bẩy tượng Phật thuyết Pháp diễn đạt Càn Khôn ở cõi thế gian có một khuôn mặt là Trời Đất.

Bẩy tượng thuyết pháp là bẩy tượng Phật thế gian, Phật là một con Người trần gian, giác ngộ thành Phật, là Phật Người thế gian gọi là Manushi như Phật Thích Ca (manu- là người đầu tiên trên thế gian, manu-h, người, loài người, gốc tái tạo Ấn-Âu ngữ PIE *man(u)-, người, Anh ngữ Man, người, Việt ngữ Man, Mán, Mol, Mường là người).

Trong khi bẩy tượng Phật định thiền (dhyani) là Phật vũ trụ, Phật chỉ có trong kinh điển (dhyani biến âm mẹ con với định và theo d = th, dhyani = thiền). Phật Định Thiền hiện nay gọi là Thiền Na Phật,

Phật định thiền mang tính tĩnh, âm. Càn 7 ở đây cũng lưỡng hợp với Khôn nhưng Khôn mang tính tĩnh, âm là Khôn siêu âm. Càn siêu dương lưỡng hợp Khôn siêu âm là càn khôn, vũ trụ, tạo hóa. Bẩy tượng Phật định thiền diễn đạt Càn Khôn ở đại vũ trụ là càn khôn, Tạo Hóa, Vũ Trụ. Rõ ràng Phật Định Thiền có một khuôn mặt là Phật Vũ Trụ.

Như thế cứ 5.000 năm Phật Định Thiền Vũ Trụ lại giáng thế thành Phật Thuyết Pháp thế gian. Tại sao lại là 5.000 năm mà không phải là những con số khác? Xin thưa số 5 là số Li, Đất dương, Dương Gian, Dương Trần, Nhân Gian, Cõi Người. Năm ngàn năm Phật Vũ Trụ lại xuống cõi dương trần, nhân gian một lần là vậy. Còn dựa vào mỗi hàng 7 tượng Phật cho rằng Phật Vũ Trụ đã xuất hiện bẩy lần thì không thuyết phục được hoàn toàn. Chắc là phải dựa thêm vào các chứng cứ khác nữa. Thật sự có 14 tượng Phật, tại sao không là 14 lần?

Tóm lại.

Khu hang động Phật giáo ở quần thể hang động Tam Giáo Ellora này cho thấy:

-Rất nhỏ bé, đơn sơ so với các hang động ở quần thể hang động Phật giáo Ajanta.

Điểm này cho thấy: một: đây là thời kỳ Phật giáo đã suy tàn ở Ấn Độ và hai là Ấn giáo thống lĩnh ở đây, Ấn giáo đang ở thời kỳ phục hưng cực thịnh trở lại sau khi bị sa sút bởi Phật giáo. Ấn giáo ngự trị ở đây còn Phật giáo và Chinh Phục giáo là phụ, thứ yếu.

-Đã thấy sự hiện diện của Ấn giáo trong Phật giáo ở đây qua hình bóng nữ thần Học Hỏi Saraswati, nữ thần Durga, Thần Ganesh…

Tuy nhiên giữa Phật giáo và Ấn giáo vẫn còn hòa đồng, sống chung hòa bình với nhau. Thấy rõ qua sự kiện tín đồ Ấn giáo dùng các hang động Phật, chỉ cho thêm các tượng hình Ấn giáo vào dùng làm nơi thờ phượng mà không phá hủy các tượng hình Phật giáo đi.

– Rõ như ban ngày một lần nữa ta thấy rõ Phật giáo ruột thịt với Vũ Trụ Giáo.

Từ trước tới nay các nhà nghiên cứu Phật giáo chỉ nhìn theo diện giáo lý nhà Phật mà chưa hề để ý tới hay nói tới cái nền tảng vũ trụ quan, vũ trụ thuyết, Vũ Trụ Tạo Sinh của vũ trụ giáo, dịch học trong Phật giáo.

Phải nhìn Phật và Phật giáo dưới lăng kính vũ trụ quan, vũ trụ tạo sinh, vũ trụ giáo, dịch học mới dễ hiểu và quán triệt được giáo lý Phật giáo.

Leave a comment