CHIẾN DỊCH NGƯỜI MỚI TỚI THÁNG 4-1975.

CHIẾN DỊCH NGƯỜI MỚI TỚI

(OPERATION NEW ARRIVALS)

THÁNG 4-1975.

Nguyễn Xuân Quang.

clip_image002

Như đã biết qua bài viết trước chiến dịch di tản, tiếp nhận và định cư người tỵ nạn Đông Dương gọi là Chiến Dịch Đời Sống Mới. Về sau đổi thành Operation New Horizons (Chiến Dịch Chân Trời Mới) và bây giờ gọi là Chiến Dịch Người Mới Tới.

Vào tháng 3 năm 1975 lực lượng Cộng-sản tổng tấn công chống lại Chính Phủ Quốc Gia Miền Nam Việt Nam và chính phủ Khmer Cambodia đưa tới sự sụp đổ của hai chính quyền này. Hàng ngàn người trốn chạy đi tìm tự do ở Hoa Kỳ. Trong khoảng thời gian 8 tháng, từ tháng 4 và chấm dứt vào ngày 20 tháng 12-1975, tổng cộng 140.676 người tị nạn đã được thực hiện dưới chương trình Người Tị Nạn Đông Dương. Đây là những người được di tản từ Cambodia, Nam Việt Nam, được Bộ Quốc Phòng Mỹ tạm thời chăm sóc tại các trại tị nạn ở Tây Thái Bình Dương, ở Hoa Kỳ và cuối cùng định cư tại Hoa Kỳ hay một nước thứ ba hoặc quay trở về lại cố quốc Việt Nam và Cambodia..

Trại Thủy Quân Lục Chiến Pendleton, Nam Cali là trại tiếp cư đầu tiên trên đất Hoa Kỳ trong Chiến Dịch Người Mới Tới đón nhận để định cư người tỵ nạn Đông Dương.

Lúc đầu chỉ dự trù di tản 6.000 công dân Mỹ và 10.000 nhân viên làm cho chính phủ Hoa Kỳ, những khuôn mặt chính trị, trí thức có nguy cơ cao bị hãm hại, các hồi chính viên, các cơ quan, nhà thầu làm với Hoa Kỳ… nhưng về sau bị tràn ngập vì người tỵ nạn thường dân Việt Nam. Vào ngày 30 tháng 4, 1975 trên 30.000 đã rời Việt Nam bằng mọi phương tiện. Chính phủ Hoa Kỳ quyết định ‘catch all’ (‘chộp hết’) dù là nhà nông, đánh cá, người bán rong, sinh viên… những người không đủ các điều lệ đã đề ra.

Đợt thứ nhất khoảng 10.000 tới 15.000 người xẩy ra vào một tuần tới mười ngày trước khi Miền Nam thất thủ.

Đợt thứ hai khoảng 86.000 người Việt và Mỹ được di tản bằng máy bay trong những ngày cuối cùng của tháng tư.

Đợt thứ ba khoảng 40.000 người Việt rời Việt Nam bằng thuyền nhỏ, tầu thủy và được chở bằng máy bay tới Subic Bay và Guam vào hai tuần lễ đầu tháng 5.

Người tỵ nạn Cambodia được di tản trước người Việt Nam.

Vào ngày 11-4-75 không quân Mỹ với 350 Thủy Quân Lục Chiến, 36 trực thăng dàn quân tại Nam Vang. Chiến Dịch ‘Operation Eagle Pull’ bắt đầu và trong vòng dưới bốn tiếng đồng hồ, 82 công dân Mỹ, 35 công dân nước thứ ba và 159 người Cambodia, phần lớn là nhân viên của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ được di tản. Phần còn lại và thường dân Cambodia đào thoát qua Thái Lan (từ 5.000 tới 8.000 người).

Tổng thống cuối cùng của Cambodia là Saukam Khoy tới trại San Onofre, Pendleton ngày 6-5-75.

SỰ THÀNH HÌNH TRẠI TỴ NẠN PENDLETON.

Chỉ huy trưởng trại Pendleton là Trung Tướng Graham.

Mục tiêu nhằm tiếp nhận và định cư 18.000 người tỵ nạn Đông Dương trong vòng 60 ngày hay hơn.

1. Giai Đoạn Đầu.

Vào khoảng lúc 16:30 chiều ngày thứ bẩy 26-4-75 Chỉ Huy Trưởng Trại Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ Pendleton nhận được cú điện thoại từ tổng hành dinh ra lệnh là phải hoàn tất vào lúc nửa đêm (2400) hôm đó một Trung Tâm Tiếp Cư Người Tỵ Nạn Đông Dương. Bộ chỉ huy trại Pendleton họp khẩn vào lúc 9 giờ tối quyết định phải làm trại lều vải và nơi thích hợp nhất là ở Telega, phía cực bắc của trại (xa các bãi tập của TQLC, có nhiều đất trống, dễ tiếp cận bằng các trục lộ chính, có điện, nước, điện thoại ở các trại gần đó, có sẵn các lều vòm mái tôn (quonset huts), có phòng ăn, phòng vệ sinh thường dùng vào cuối tuần cho tân binh trong lúc huấn luyện. Các trại này dùng làm ‘cái nhân’ (nucleus) rồi sau đó bành trướng ra.

-Trại 1 và 2.

Ngày 28-4-75 khu trại mái vòm tôn Telega được tân trang và khu phòng ăn được sửa soạn sẵn sàng.

Thế là trong khoảng hai tiếng đồng hồ trại lều vòm mái tôn Telega được dọn dẹp, tu sửa xong theo như lệnh đã ban.

Những người tỵ nạn đầu tiên tới phi trường El Toro của trại TQLC vào sáng sớm ngày 29-4-75.

Các lều quonset trở thành trại 1 (cho người Cambodia và trại 2 cho người Việt). Loại trại lính này ấm, giường nệm và đủ tiện nghi hơn các trại lều vải dã chiến. Mỗi lều quonset chứa 24 người hoặc hơn nếu cần.

-Trại 3

Sau này trại 3 lều vải làm sát trại 2.

Khu Telega chỉ có 3 trại này.

clip_image004 Trại 1, 2 và 3 chụp ngày 15-10-75 (tài liệu After Action Report của Trại Pendleton).

Trại nhận người tỵ nạn vào lúc 2 giờ sáng ngày 29-4-75.

-Các Trại Lều Vải Khác

Về sau khi người tỵ nạn ồ ạt tới, công binh TQLC ngày đêm dựng các lều vải. Từ ngày 29 tháng 4 tới 4-5 hơn 1.000 lều vải đa dụng và 160 ‘lều bay (?), (lều ruồi)?’ (fly tent) có sàn gỗ dùng làm nhà ăn được dựng lên. Mỗi trại lều vải chứa 16 người.

clip_image007

Trại 4 chụp ngày 14 -10-75.

clip_image009

Trại 5 và 6.

clip_image011

Trại 8 vào ngày 15-10-75.

Trại 8 là trại lớn nhất dựng từ ngày 3 đến 7 tháng 5 mới hoàn tất gồm 374 lều và các cơ cấu phụ như phòng ăn, phòng tắm, văn phòng, phòng giữ trẻ, khu chơi trẻ em…

clip_image013

Bên trong một trại lều vải.

Ngoài các lều trại ra còn có các nhà tiền chế (trailers) có lò sưởi ấm dành cho các sản phụ và trẻ sơ sinh.

Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ tới trại 8 ngày 5-5-75.

Người tỵ nạn được chỉ định tới trại theo thứ tự tới trước sau. Tuy nhiên nếu còn chỗ trống do các người đã rời trại có thể xin đổi chỗ tới những trại tiện nghi hơn, gần phòng ăn khang trang hơn, gần gia đình, bằng hữu.

clip_image015

Ba thế hệ trong một gia đình.

Có đại gia đình đông tới 40 người.

clip_image017

Người tỵ nạn già nhất 109 tuổi.

-Các Cơ Sở Phục Vụ.

Ngoài các trại lều cho người tỵ nạn ở còn cần có nhiều cơ sở cho những dịch vụ khác như Trung Tâm Điều Hành, Khu Nhà Ăn, Khu Vệ Sinh, Tắm Giặt (cho các trại lều vải), Khu Y Tế, Thông Tin, Báo Chí, Giáo Dục, Giải Trí Cho Trẻ Em, Khu Giữ Trẻ, Khu Tín Ngưỡng, Nhà Băng, Nơi Bán Vàng…

……

Một việc làm đầy bái phục chỉ dưới 6 ngày mà đã hoàn tất xong một trại dùng cho 18.000 người tỵ nạn.

clip_image019

Đệ nhất phu nhân Betty Ford tới thăm trại ngày 21-5-75.

-Những Sự Việc Quan Trọng.

a. Trang Phục Cho Người Tỵ Nạn.

Nam Cali có khí hậu sa mạc lạnh về đêm, người tỵ nạn chưa quen. Trong lúc khẩn cấp đã mở kho quân trang ra lấy ‘field jacket’ (áo khoác lạnh dã chiến) cấp phát, cho ngay cả các em bé 6, 7 tuổi.

Về sau áo quần và dầy dép do nhà thầu cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau với nhiều kiểu và phẩm chất khác nhau đã khiến nhiều người tỵ nạn tức bực, ganh tỵ khiếu nại đòi được như người khác.

b. Vấn Đề Ẩm Thực.

Trong những ngày đầu phòng ăn trại 1, 2, và 3 mở cửa 24 giờ mỗi ngày và dọn 22.000 phần ăn mỗi ngày.

Thức ăn chọn dùng cho 6 ngày khác nhau gồm những món dễ thực hiện vì số lượng người ăn quá cao, bữa nào cũng có cơm, bánh mì (những món ăn no bụng của người Á châu)… Lúc đầu phải xử dụng một phần rất lớn nhân viên gồm 230 đầu bếp và làm bánh, 700 nhân viên hầu ăn của trại.

Về sau phải giao cho các nhà thầu chăm lo Dịch Vụ Nuôi Ăn của Nam Cali (Southeastern Services Inc. với khế ước $ 4.788.000). Những nhà thầu này đã quen nuôi ăn quân nhân Hoa Kỳ với thực đơn Âu Mỹ nhưng không có một chút kinh nghiệm nào về nuôi ăn người tỵ nạn Á châu và không quen dùng dụng cụ nhà bếp của trại vì thế lúc khởi đầu gặp phải rất nhiều trở ngại về phẩm chất như thức ăn kém về phẩm chất, về nấu nướng như cơm sống, thức ăn để nguội lạnh, ỉu xìu và cách phòng giữ cho tươi sạch của thức ăn không đạt được tiêu chuẩn. Người tỵ nạn chê không ăn hay phàn nàn. Có người tỵ nạn đài các chê là ‘đồ ăn chó mửa’(!). Các chuyên viên ẩm thực TQLC lại phải trở lại làm cố vấn.

Người tỵ nạn chỉ thích táo, cam vào bữa ăn sáng (có người lưu trữ cả thùng dưới gầm ghế bố), ăn gà (gà có vào ngày thứ năm ‘day V’ trong tuần), hamburger và thèm nước mắm, ớt, chanh… Về sau các thứ này được thêm vào.

Đồ uống có sữa (đủ loại), cà phê, trà, nước đá lạnh, nước ngọt với nhiều phụ vị. Nhiều người tỵ nạn uống sữa không hạp gây ‘tiếng động’ trong phòng ‘nghỉ ngơi’ (Anh ngữ gọi là rest room) làm phiền tới những người hàng xóm đang cần tới sự yên tĩnh để nghỉ ngơi… Tội nghiệp cho mấy quân nhân dọn dẹp. Những người này thật sự phải đáng nhớ ơn.

c. Vệ Sinh

Trại 1, 2 , San Onofre và 4 có phòng vệ sinh của lều quonset và phòng tắm, phòng giặt là những cở sở hiện hữu đã có. Các trại lều vải lúc đầu phải dùng phương tiện dã chiến dùng khoảng 675 phòng vệ sinh thương mại di động, rồi sau đó được cải thiện tốt hơn.

Vòi nước uống có ở mỗi trại lều vải tuy nhiên có một số người tỵ nạn dùng cho cả giặt giũ và tắm rửa làm ngập lụt lênh láng.

d. Y Tế

Tại trại 1, 2, 3 có phòng khám bệnh với đầy đủ nhân viên y tế và có thể dùng bệnh viện 100 giường của trại Pendleton cho các bệnh nhẹ. Những bệnh nặng chuyển tới Trung Tâm Y Khoa Hải Quân Vùng (Naval Regional Medical Center) ở Oceanside ngay trong trại Pendleton. Có 133 người phải nhập viện tại đây. Có 120 người cần chữa răng tại trung tâm nha khoa của San Onofre.

Vấn đề y tế được tiếp tay bởi giới y tế Việt Nam tỵ nạn rất đông đảo. Tôi và bác sĩ Vương Đức Hậu làm tình nguyện tại trạm y tế. Một hôm tôi khám một thai phụ thấy sắp sanh, chỉ cần đẩy nhẹ một cái vào đầu em bé là bà mẹ rặn ra ngay. Nhưng các y tá Hoa Kỳ ‘hoảng sợ’ không chịu cho chúng tôi đỡ tại chỗ, mặc dù tôi vốn là một bác sĩ sản phụ khoa. Tôi và Bác sĩ Hậu phải leo lên xe hồng thập tự thay phiên nhau giữ đầu em bé. Chỉ sợ xe dồng, xốc đầu em bé chui ra. Xe hụ còi chạy như bay trên con đường núi đồi, quanh co khiến tôi và bác sĩ Hậu mặt mày xanh lè muốn ói mửa luôn (lúc đó chúng tôi quá mệt mỏi, người tả tơi). May mắn khi tới nhà thương ở Oceanside đầu em bé chưa chui ra… Đây là lần đầu tiên chúng tôi đặt chân vào một nhà thương Hoa Kỳ. 

Về sau mới hiểu ra vấn đề hành nghề y khoa bất cẩn ‘medical malprcatice’ tối quan trọng ở Hoa Kỳ nên họ không cho tôi đỡ đẻ vì chưa có bằng hành nghề y khoa trên đất Mỹ.

e. Thể thao, giải trí.

Có sân bóng rổ, trung tâm thể vận, chiếu phim…

clip_image021

Hòa tấu nhạc của 1st Marine Division Drum and Bugle Corp.

f. Giáo Dục

Dậy Anh ngữ, lịch sử và địa lý Hoa Kỳ.

g. Trật Tự, An Ninh

Có một điều đáng quí là chỉ có những chuyện xich mích nho nhỏ giữa các thành phần trong một gia đình hay với ông/bà nằm ghế bố hàng xóm. Tất cả đều được giải hòa êm thắm. Nạn trộm cắp gần như không có…

Về phía quân nhân Hoa Kỳ kỷ luật sắt được áp dụng dù cho phạm một lỗi nhỏ tới đâu.

h. Tang Ma Hiếu Hỷ.

Có nhiếu đám cưới (80 đám cưới đã xẩy ra trong trại),

clip_image023

Đám cưới đầu tiên.

Cô dâu chú rể dùng trung tâm may mặc của trại may trang phục cưới, phải khám sức khỏe làm thử nghiệm y khoa tiền đám cưới và được các chức sắc tôn giáo làm lễ cưới.

Đám ma được tổ chúc tại nhà quàn ngoài trại ở trong vùng. Đám ma đầu tiên ngày 21 tháng 7. Vì phải ra ngoài trại nên chỉ giới hạn cho thân nhân máu mủ được tham dự mà thôi.

i. Trẻ Em Không Có Bố Mẹ Đi Theo.

Có 119 em dưới tuổi vị thành niên đi không có bố mẹ. Nếu có bà con họ hàng thì được giao cho nuôi, còn không giao cho Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ đợi tìm cha mẹ đẻ, họ hàng hay tìm cha mẹ nuôi.

k. Qui Trình Định Cư.

Hiển nhiên đây là mục đích chính, hàng ngày cả ngàn người đến:

clip_image025

Đặt chân xuống trại Pendleton.

và ngàn người đi:

clip_image027

Rời trại lên đường tới nhà bảo trợ. Sứ mạng đã hoàn tất.

Nhân viên làm việc bù đầu.

Có vài trăm người không hoàn tất được qui trình định cư, cuối cùng được chuyển tới trại Fort Chaffee, Arkansas vào đầu tháng 11.

Vân vân và vân vân…

Dĩ nhiên còn nhiều vấn để khác nữa như kỷ luật, thông tin, tôn giáo…

. Khác Biệt Văn Hóa

Người tỵ nạn Cambodia và Việt Nam có người vô trách nhiệm biến phòng vệ sinh thành phòng ‘mất vệ sinh’ khiến nhiều người thích đi ra ngoài bãi trống bên trại (người Á châu vốn thích đi cầu, đi đồng, đi bãi: bãi sông, bãi biển, bãi đất trống) gây bất bình cho các quân nhân Hoa Kỳ có nhiệm vụ lo giữ vệ sinh và y khoa phòng ngừa.

Nhiều người vẫn giặt giũ và tắm rửa ngay dưới vòi nước uống thay vì trong phòng tắm giặt đã có.

Nhiều gia đình tỵ nạn dùng trẻ em làm tôi mọi, vân vân…

Nhiều người đề nghị chuyện này chuyện kia, biếu quà cáp với giới chức Mỹ để lấy lợi điểm mà người Mỹ cho đó là hối lộ.

Mặc dù nhân lực người tỵ nạn rất nhiều, lúc đầu được sử dụng nhưng sau có lời phàn nàn là có một số giới chức tỵ nan Việt  lạm dụng chức vụ để trục lợi và ăn hối lộ giúp cho một số người được chọn những người bảo trợ tốt ở các tiểu bang ấm áp nên về sau chỉ dùng một số giới hạn, nhiều nhất trong lãnh vực thông ngôn, thông dịch.

Vì vậy cả người tỵ nạn và một số quân nhân Hoa Kỳ cần phải được chỉ bảo để san bằng hố cách biệt văn hóa.

….

. Những Người Trở Về Cố Quốc Việt Nam.

Một số nhỏ người tỵ nạn tại trại Pendleton đòi trở về nước, muốn làm loạn, họ được trấn an là phải chờ chính phủ Việt Nam cho phép. Ngày 19 tháng 9, có 23 người ở trại Pendleton được cảnh vệ Hoa Kỳ hộ tống về Guam nhập cùng nhóm người trở về cố quốc ở đây và như đã biết có thêm cả nhóm người đã được thông qua thủ tục làm người tạm dung đã ra trại đang ở cùng người bảo trợ cũng đổi ý đòi trở về cố hương. Về sau như đã biết hơn 1.600 người được trở về Việt Nam từ Guam bằng tầu Thương Tín I ngày 16 tháng 10-75.

Các người Cambodia muốn trở về nước cũng được chăm lo chu đáo tại trại Pendleton. Khác với người Việt họ bằng lòng ở lại trại cho tới ngày họ được phép đi trong trật tự (một phần là vì được ở khu nhà lều mái vòm tôn quonset quá êm ấm, tiện nghi). Nhưng có một đặc biệt là khi khám xét hành trang lúc họ được đưa về trại Fort Chaffee tìm thấy 12 khẩu súng lục nòng .22 và hơn 1.000 băng đạn. Phần lớn các người Cambodia này là sinh viên sĩ quan Cambodia đang học khóa huấn luyện ở Hoa Kỳ. Khi được hỏi thì họ cho biết đã mua ở các P.X. (post-exchange) của quân đội Hoa Kỳ đem về nước làm kỷ niệm (!). Tuy nhiên đây là lời khai gian vì loại súng này là thứ rẻ tiền được coi là “Saturday Night Specials” không có bán trong các PX quân đội Hoa Kỳ mà họ phải mua ở các nguồn thương mại hay một mua chui từ một nguồn nào khác. Súng bị tịch thu và phá hủy còn đạn được đưa về văn phòng Provost Marshall của căn cứ để trưng bầy.

. Bàn Tay Hy Vọng.

Vào tháng 6-75 một nghệ sĩ Việt tỵ nạn là Lưu Nguyên Đạt vẽ kiểu và kiến tạo dưới sự cố vấn của TQLC một bức tượng tưởng niệm cho sự tái định cư cho người tỵ nạn Việt của Hoa Kỳ. Đó là tượng Hand of Hope:

clip_image029

Tượng diễn đạt bàn tay mở rộng của nhân dân Hoa Kỳ đón nhận nồng hậu hai em bé tỵ nạn Việt Nam và Cambodia, tượng trưng cho hai mầm non của người Việt và Cambodia, cầu chúc cho có được một Đời Sống Mới và tràn đầy Hy Vọng trong tương lai.

Tượng đặt trước Trung Tâm Điều Hành.

Giải Tỏa

Mục tiêu là tiếp nhận và định cư người tỵ nạn Đông Dương trong vòng 6 tháng, dự trù đóng cửa các trại tỵ nạn tại Hoa Kỳ vào ngày 01-11-75 (vì mùa thu ở Cali trở lạnh và có mưa, trại lều vải không có hệ thống sưởi ấm. Kế hoạch giải toả khởi sự từ tháng bẩy.

Hai trại 5 và trại 8 nằm trên lòng sông khô của sông Cristianitos có thể bị lũ cuồng lưu (flash-flooding) vào mùa mưa ở Nam Cali vì vậy phải giải tỏa các trại này càng sớm càng tốt.

Ngày 1-10-75 trại 6 đóng cửa, ngày 11 trại 5 đóng, ngày 16-10 trại 4 đóng, ngày 17-10 trại 8 đóng.

Ngày 25-10-75 trại San Onofre đóng, những người còn lại chuyển qua trại lều quonset 1, 2, 3. Ngày 27 trại 3 đóng. Ngày 30-10 trại 1 và 2 đóng.

Toàn trại Pendleton đóng cửa vào ngày 15 tháng 11-75.

Tóm Tắt

Chiến Dịch Người Mới khởi đầu từ ngày 29-4-1975 tới 16 thàng 11-75 nhìn chung đã tái định cư 130.000 người tỵ nạn Đông Dương trên tất cả các trại tỵ nạn ở Hoa Kỳ thật tuyệt vời.

Riêng tại trại Pendleton đây là một biến cố bất ngờ và chưa từng quen biết đối với TQLC Hoa Kỳ, hoàn toàn thiếu thông tin về người tỵ nạn Đông Dương (từ đời sống tới văn hóa…). Chỉ trong vòng dưới 18 tiếng đồng khi được tin chiếc máy bay chở người tỵ nạn đầu tiên vừa mới cất cánh hướng về trại Pendleton sẽ đáp xuống phi trường El Toro của trại. Trại Tỵ Nạn Pendleton đã thành hình bước đầu.

Chỉ dưới 6 ngày trại hoàn thành dùng cho 18.000 người tỵ có một cuộc sống căn bản với đầy đủ tiện nghi và nhu cầu cho một cuộc sống an bình.

Cao điểm của sự tiếp nhận là 20.048 người tỵ nạn đã tới trại Pendleton vào ngày 13-7-75. Những đợt tới và rời trại xẩy ra 24 giờ một ngày. Mọi chuyện được thực hiện xuông xẻ êm đềm, đúng theo thời gian qui định.

Chiến Dịch Người Mới Tới tại trại Pendleton khởi sự vào khoảng lúc 16:30 chiều ngày thứ bẩy 26-4-75 lúc Chỉ Huy Trưởng Trại Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ Pendleton nhận được cú điện thoại từ tổng hành dinh ra lệnh là phải hoàn tất vào lúc nửa đêm (2400) hôm đó một Trung Tâm Tiếp Cư Người Tỵ Nạn Đông Dương.

Chiến Dịch Người Mới Tới hoàn tất khi trại Pendleton đóng cửa vào ngày 16 tháng 11, khép lại một chương sử đáng kể đầy tình người trong lịch sử của TQLC Hoa Kỳ.

Riêng tại trại Pendleton, đây chứng tỏ khả năng của TQLC tại trại Pendleton có thể đối phó với bất cứ thiên tai bộc phát nào xẩy đến cho dân Nam Cali.

Những Người Mới Tới sẽ nhớ ơn và tìm cách trả ơn, nhất là các thế hệ trẻ Việt Nam sau này.

_______

Tài liệu Tham Khảo.

Operation New Arrivals, After Action Report, Marine Corps Base Camp Pendleton, CA.

­­­­­­­­­­­­­­

2 comments

  1. Hoang Thi · · Reply

    Cám ơn anh. Bài khảo cứu rất chi tiết và khá đầy đủ.
    Đọc xong không khỏi bồi hồi về những ngày đầu tiên đã đến nơi đây, và bây
    giờ nhiều người trong chúng ta đã nhận là con dân của quê hương thứ hai của
    đời mình.

    Ai có biết, mỗi năm, hay bất thường niên, có tổ chức viếng thăm Pendleton
    Base như sự tri ân đến truyền thống hào hùng của quân đội từng đã và đang
    tiếp nối truyền thống ấy sau này. Xin cho tôi một vé tháp tùng.

    1. Quang Nguyen · · Reply

      Cám ơn rất nhiều. Thăm viếng vùng đất cũ của Trại Tỵ Nạn Đông Duong Pendleton rất dễ. Bất cứ lúc nào cũng được.Nên liên lạc trước. Đén nơi có người chỉ dẫn. Nguyễn Xuân Quang.

Leave a comment