MÔNG CỔ: MƯƠI ĐIỀU… (Phần 1).

.*Nếu cần bấm hai lần vào tựa bài để mở bài.

.Phải tuân thủ luật Tác quyền Copyright.

MÔNG CỔ MƯƠI ĐIỀU…

(Phần 1)

Nguyễn Xuân Quang.

clip_image002[1]

DNA của tác giả có 63% của người Đông Bắc Á (trong đó có Mông Cổ).

Mông Cổ là một cái tên mà ta thường đã nghe nói tới ít nhất một lần ở một địa hạt nào đó. Ta thường nghe nói đến nhiều nhất là Đế Quốc Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan). Trong địa hạt nhân chủng học ta nghe nói tới chủng người dạng Mông Cổ (Mongoloid race) da vàng bên cạnh các chủng người da trắng Caucase, chủng người da xậm Negrito Thái Bình Dương, chủng người da đen châu Phi… Trong y học ta nghe nói tới bớt Mông Cổ (Mongolian birthmark) (là vết mầu chàm indigo thấy ở sau lưng gần vùng xương cùng ở trẻ em sơ sinh ở các sắc dân có da mầu đậm như Á châu, Hispanic, Thổ Dân Mỹ châu, Phi châu, Đông Ấn… không nhất thiết là chỉ thấy ở người Mông Cổ), Hội Chứng Dạng Mông Cổ (Mongoloid Syndrome) hay Hội Chứng Down (Down Syndrome). Về ẩm thực có món Thịt Bò Mông Cổ (Mongolian Beef)…

Đối với người Việt, chúng ta đã biết qua các bài học lịch sử về Quân Nguyên Mông muốn xâm chiếm nước ta Đại Việt ba lần nhưng đều đại bại.

Nhà viết kịch Vũ Khắc Khoan đã viết vở kịch Thành Cát Tư Hãn.

Nhà viết truyện chưởng Kim Dung đã nói tới Thành Cát Tư Hãn trong truyện Anh Hùng Xạ Điêu. Thành Cát Tư Hãn rất yêu quý nhân vật chính Quách Tĩnh, đã từng hứa gả con gái Hoa Tranh cho chàng và phong cho Quách Tĩnh tước Kim Đao phò mã…

Một số các nhà du hành Tây phương đã tới Trung Quốc vào thời nhà Nguyên như linh mục Giovanni da Pian del Carpini với chủ ý làm gián điệp tới thăm dò Mông Cổ dưới thời Ogedei Khan hay nhà du hành Marco Polo tới Bắc Kinh dưới thời  Kubilai Khan (Hốt Tất Liệt). Marco Polo đã viết du ký giúp cho Tây phương hiểu ít nhiều về Mông Cổ.

Tuy nhiên đi du lịch Mông Cổ không phải là một chọn lựa đứng vào hàng đầu của nhiều người. Vì sao?

-Vì Mông Cổ là một đất nước ‘hoang dã’ về địa lý (một xứ thảo nguyên mênh mông, bắc cận Tây Bá Lợi Á, nam là sa mạc Gobi) và có khí hậu khắc nghiệt. Khí hậu nội địa khô cằn ít mưa. Khí hậu thay đổi lớn theo mùa. Mùa đông dài buốt giá khoảng quanh -30 C (-22 F) vào tháng giêng. Mùa hè ngắn và nóng và thường có mưa.

-Vì lối sống du mục hoang dã.

-Vì quá khứ của Mông Cổ, một số người không thích vó ngựa xâm lược của Genghis Khan.

-Vì kỹ nghệ du lịch Mông Cổ còn đang mới phát triển.

-Vì thiếu cơ sở hạ tầng tiện nghi (cỏ thảo nguyên rất yêu thích phái nữ thế giới với đủ sắc thái vì vừa đã khát nước vừa đã con mắt).

-Vì cần phải có một thể lực tốt, một tinh thần thích mạo hiểm, yêu thiên nhiên và học hỏi.

…..

Tuy nhiên nếu khắc phục được những điều kể trên thì Mông Cổ có nhiều sắc thái đặc thù với những kinh nghiệm sống tuyệt vời, nhớ đời.

1. Tổng Quát.

Mông Cổ, nói ở đây vốn là Ngoại Mông (Outer Mongolia), một nước Dân Chủ không phải là Nội Mông, một vùng dưới danh nghĩa là tự trị nhưng thực sự là một tỉnh của Trung Quốc. Mông Cổ là một nước Đông Á bị khóa chặt trong đất liền, bị kẹp giữa nước Nga ở phía bắc và Nội Mông thuộc Trung Quốc về phía nam.

clip_image004[1]Bản đồ địa lý Mông Cổ (mầu xanh lá cây nhạt là thảo nguyên, mầu nâu núi, mầu trắng sa mạc Gobi và mầu xanh dương là hồ) (nguồn: Mongolia-travel-and-tours.com).

Mông Cổ nghĩa là gì? Mongol được cho là có gốc ngữ là từ Mong có nghĩa là “Brave” (dũng cảm, can trường). Như thế Mong gần cận với Phạn ngữ Maha, lớn, mạnh, với Việt ngữ Mạnh (Hùng Mạnh), Mãnh (Dũng Mãnh). Người Mông Cổ là một dân tộc Dũng Mãnh, Hùng Mạnh.

Mông Cổ có diện tích khoảng hơn 1.5 triệu km vuông với dân số khoảng 3 triệu người (cộng thêm 4 triệu người ở Nội Mông). Mông Cổ là một quốc gia có mật độ dân số thưa nhất thế giới (2 người trên một cây số vuông). Mông Cổ có rất ít đất trồng trọt được, phần lớn là bình nguyên cỏ dại gọi là thảo nguyên (grassy steppe). Núi ở phía bắc và tây, sa mạc Gobi ở phía nam.

.Thủ đô

Thủ đô là Ulaanbaatar (UB) có nghĩa là Anh Hùng (baatar) Đỏ (Ulaan). Từ Đỏ được thêm vào do sức ép của người Nga, làm liên tưởng tới Công Trường Đỏ ở Moscow. Hiện Mông Cổ hãy còn cần phải nương tựa về phía Nga để né tránh Tầu nên vẫn giữ từ Đỏ này.

clip_image006[1]

UB chiếm 40% dân số, là thủ đô lạnh nhất thế giới cùng hạng với Moscow, Ottawa và Nur-Sultan và là thủ đô lộng gió nhất thế giới.

.Cờ Mông Cổ

clip_image007[1]

Cờ gồm có ba phần: phần xanh da trời ở giữa biểu tượng cho bầu trời muôn thuở [Người Mông Cổ thờ Bầu Trời Xanh Muôn Thuở gọi là Tengriism (xem dưới)] và xứ Mông Cổ được coi là “Đất Bầu Trời Xanh Muôn Thuở” (“Land of the Eternal Blue Sky”) hay “Xứ Bầu Trời Xanh” “Country of Blue Sky”]. Hai phần đỏ hai bên biểu tượng cho tiến bộ và thịnh vượng. Biểu tượng Soyombo mầu vàng có nghĩa là nền độc lập quốc gia (national independence). Ngọn lửa ở trên có nghĩa là tái sinh, đổi mới, phát triển và là lò lửa gia đình (family hearth). Ngọn lửa chẽ ba miêu tả quá khứ, hiện tại và tương lai (theo quan niệm của Phật giáo). Dưới ngọn lửa là mặt trời trên mặt trăng lưỡi liềm, biểu tượng của đế quốc Hung Nô (Hunnu). Hình tam giác ngược là đầu mũi tên chỉ địa có nghĩa là tiêu diệt kẻ thù. Hai hình chữ nhật nằm ngang diễn tả thành thật, công lý và cao sang. Hình đĩa thái cực nòng nọc (âm dương) được coi là hai con cá không bao giờ nhắm mắt, biểu tượng sự canh chừng không ngừng (một mắt nhìn về phía Tầu và một mắt nhìn về phía Nga), hữu lý và hiểu biết.

Hai trụ chữ nhật hai bên diễn tả tường thành, đoàn kết và biên cương của Mông Cổ.

.Biểu Trưng Quốc Gia (State Emblem).

Ngựa có mặt trong đời sống thể xác, xã hội và tâm thần của người Mông Cổ. Đâu đâu cũng thấy hình bóng ngựa. Văn hóa Mông Cổ là văn hóa du mục vó câu muôn dặm.

Ngựa là Thú Biểu Quốc Gia (State Animal), là Biểu Trưng (State Emblem) Quốc Gia Mông Cổ.

clip_image008[1]

Phong mã (Windhorse), Biểu Trưng Quốc Gia của Mông Cổ (ảnh của tác giả).

Phong mã hay ngựa phi hoặc ngựa bay biểu tượng cho độc lập, lãnh thổ toàn vẹn và tâm linh  Mông Cổ.

2. Lịch Sử.

Chỉ xin điểm qua vài nét chính.

-Thời Tiền Sử và Cổ Đại.

Người Đười đứng thẳng Homo erectus đã sống ở Mông Cổ từ 850.000 năm trước đây. Người Tân Tiến ở Mông Cổ khoảng 40.000 năm trước trong thời Thượng-Cổ Thạch (Upper Paleolithic).

Các chứng tích khảo cổ còn thấy là các gò đống mộ (kurgans), mộ bằng tấm đá vuông (square slab tombs), hình vẽ trên đá (rock paintings), các trụ Đá Hươu (Deer Stones).

Hang động ở Khoit Tsenkher tỉnh Khovd cho thấy hình vẽ mầu hồng sống động bằng đất đỏ từ 20.000 năm trước gồm voi mammoths, mèo rừng, lạc đà hai bướu và đà điểu vì thế được gọi là “the Mongolian Lascaux”. Tượng hình nữ thần Mal’ta (21.000 năm trước) chứng thực tuổi của nghệ thuật ở bắc Mông Cổ vào thời Thượng-Cổ Thạch. Mal’ta giờ thuộc vào phần đất Nga.

Còn các trụ Đá Hươu vào thời Đồ Đồng thấy ở toàn vùng Á-Âu (Eurasia) nhưng trong 900 trụ hiện tìm thấy thì 90% thấy ở lãnh thổ Mông Cổ. Vì vậy Mông Cổ được coi là trung tâm, nguồn gốc của trụ Đá Hươu, rồi mới phân tán đi nơi khác.

clip_image010[1]

Trụ Đá Hươu (Bảo Tàng Viện Karakorum).

Trụ thường có ba phần: phần trên thường có mặt trời, mặt trăng hay hình mặt người. Phần giữa có hươu nhẩy hay bay. Phần dưới khắc dao, kiếm, cung túi đựng tên, rìu chiến, đá mài, móc, gương… Có giải thích cho đây là một thứ bia mộ. Tuy nhiên không bao giờ tìm thấy hài cốt tại những chỗ có thạch trụ Đá Hươu này. Vì thế có giả thuyết khác cho đây là một thứ tín ngưỡng liên hệ với cự thạch. Vì có mặt trời, mặt trăng, mặt người nên tín ngưỡng này liên hệ với thờ vũ trụ và tổ tiên tức bước đầu của vũ trụ giáo.

-Thời Lịch Sử.

.Đế Quốc Hung Nô (Hunnu hay Xiong Nu).

Từ thời tiền sử vào khoảng thế kỷ thứ 3 Trước Dương Lịch đã có các tộc du mục sống ở phần đất Mông Cổ ngày nay. Về sau tập hợp lại thành các liên tộc, liên bang rồi thành đế quốc. Đế quốc đầu tiên là Hung Nô (Hunnu hay Xiongnu) vào khoảng từ thế kỷ thứ 3 Trước Dương Lịch tới 93 Sau Dương Lịch.

Người Trung Hoa gọi là Rợ Hung Nô. Trung Hoa thường bị Hung Nô quấy phá khiến Tần Thủy Hoàng phải cho xây Vạn Lý Trường Thành.

Năm 89 Sau Dương Lịch Trung Hoa đánh bại Hung Nô. Một phần Hung Nô chậy qua phía tây tới tận Âu châu và trở thành người Huns.

Phần ở lại lần lượt lập thành các đế quốc Turk, rồi Uighurs, Khidans, Jurchens và Mông Cổ.

Đế Quốc Mông Cổ (1206-1260).

-Genghis Khan (1162-12270).

Năm 1206 Sau Dương Lịch Chenggis Khaan (Genghis Khan) thống nhất các tộc nói trên. Genghis Khan và các Khan kế nghiệp tạo dựng nên một Đế Quốc Mông Cổ rộng lớn nhất trong lịch sử.

Vó chân chiến mã Thành Cát Tư Hãn đã một thời làm rung chuyển lục địa Âu Á.

clip_image011[1]

Tượng Thành Cát Tư Hãn Chinggis Khaan.

clip_image013[1]Bản đồ Đế Quốc Mông Cổ thời Genghis Khan (ảnh của tác giả chụp tại National Museum of Mongolia).

Thành Cát Tư Hãn từ trần ngày 18 tháng 8 năm 1227 tại huyện Thanh Thủy, gần Lục Bàn Sơn, Trung Quốc, thọ 66 tuổi. Nguyên nhân cái chết của ông vẫn chưa được sáng tỏ. Nhiều người cho rằng do ông ngã ngựa vì tuổi già nhưng có người lại cho rằng ông bị đầu độc bởi kẻ thù. Nơi chôn cất Genghis Khan cũng không rõ ở đâu.

clip_image015[1]Lăng Tưởng Niệm Thành Cát Tư Hãn tại Ordos, Nội Mông, Trung Quốc.

Genghis Khan đã bách chiến bách thắng tạo dựng nên một đế quốc rộng lớn là nhờ vào tài dùng binh pháp, tài tế thế và thu phục lòng người. Sau đây là vài điểm chính:

-Chiến lược và chiến thuật siêu việt.

-Tổ chức quân ngũ theo hệ thống thập phân cứ 10 nhóm một đơn vị: điều khiển, kiểm soát, hỗ trợ lẫn nhau.

-Dùng khinh kỵ binh: ngựa chiến giỏi, cung tên ngắn gọn, nhẹ.

clip_image017[1]
Kỵ binh Mông Cổ (ảnh của tác giả chụp tại National Museum of Mongolia).

-Thần tốc: tấn công và rút lui thần tốc.

Lều trại theo kiểu nhà du mục ger có thể vận chuyển được trên lưng ngựa: dựng và nhổ trại trong vòng một hai tiếng đồ hồ.

-Người lính Mông Cổ có thể có từ 2 đến 4 ngựa để dùng thay phiên khi ngựa cần nghỉ ngơi hay khi ngựa bị kiệt quệ thì giết bỏ, dùng làm thực phẩm.

-Lương thực bỏ túi dự phòng. Binh sĩ Mông Cổ có thể sống vài ngày chỉ cần uống máu ngựa và ăn thịt bò Himalaya (yaks) khô khi hành quân xa hay gặp lúc thời tiết khắc nghiệt.

-Quân nhân được phép mang theo gia đình.

-Được chia một phần chiến lợi phẩm.

-Chính sách khoan dung với chính quyền và dân bị chiếm đã chịu phục tùng. Tàn sát thẳng tay những kẻ kháng cự.

-Chấp nhận văn hóa và tôn giáo của người dân cũng như ưu đãi trí thức và nghệ sĩ ở vùng chiếm được.

Dưới thời Thành Cát Tư Hãn, mọi “cá nhân và tôn giáo đều được bình đẳng trước pháp luật Mông Cổ”.

-Chiến tranh tâm lý: thu phục lòng dân nơi chiếm được và dùng dân phá hoại hàng ngũ địch.

……

Dĩ nhiên cũng giống như những cuộc chiến tranh xâm lược khác như ở thời La Mã, Thực Dân Âu Châu, thời Phát Xít Đức, Ý, Nhật đều có hai khuôn mặt phải trái của một đồng tiền.

Trong thế giới phương Tây, Hồi giáo, Trung Quốc… Genghis Khan thường được cho là một kẻ khát máu và man rợ. Có câu nói: “Cỏ không mọc được dưới vó ngựa Hung Nô”.

Ngược lại đối với người Mông Cổ Genghis Khan được coi như là một Đại Hãn (Great Khan) thánh thần.

-Ögodei Khan.

Genghis Khan đã chọn người con trai út thứ ba là Ogodei làm người kế nghiệp. Theo truyền thống Mông Cổ người con út “trút cửa nhà” là người được thừa hưởng tất cả sản nghiệp của cha mẹ. Các người con trai lớn phải theo cha ra ngoài xã hội, đi chinh chiến và cai trị các vùng chiếm cứ cùng cha.

Ogodei hoàn tất kinh đô Karakorum do Genghis Khan khởi xây. Ogodei Khan chiếm nước Tấn (Jin) và các nước ở phía tây như Nga, Hungary, tiến đến tận Vienna và Biển Adriatic.

-Kublai Khan (Hốt Tất Liệt) (1215-12940.

clip_image018[1]Bản đồ Đế Quốc Mông Cổ thời Hốt Tất Liệt.

Kublai Khan (Khubilai Khan) là cháu Genghis Khan tiếp tục mở rộng bờ cõi Đế Quốc Mông Cổ. Phía bắc chiếm Nga. Phía tây tới tận Syria (thất bại tại đây vì khí hậu sa mạc nghiệt ngã, quân lính kiệt sức…). Phía Đông tới tận Nhật Bản (thất bại vì bão tố ở biển). Phía nam chiếm Trung Quốc tạo dựng lên nhà Nguyên, tới tận Đông Nam Á. Bị đại bại tại Việt Nam vì chiến lược siêu việt của Nhà Trần Đại Việt trong đó có chiến thuật “tiêu thổ, vườn không nhà trống”, phục kích ở chỗ rừng núi hiểm trở ngựa không dùng được…

Kublai Khan dời kinh đô từ Karakorum về Daidu (ngày nay là Bắc Kinh). Các sử gia cho đây là một lỗi lầm lớn của Hốt Tất Liệt vì các Khan Mông Cổ nằm “lọt vào vòng vây” của Hán tộc vẫn nuôi căm hờn trong lòng chờ thời siết chặt vòng vây lại, vùng dậy tiêu diệt nhà Nguyên. Kublai Khan trị vì nhà Nguyên được 34 năm và chết năm 1294. Các đời Khan kế tiếp suy tàn. Kết quả là cuộc nổi dậy của nông dân Trung Hoa vào năm 1368 đã đuổi Togoon Tumur Khan ra khỏi Trung Quốc và nhà Nguyên chấm dứt.

Đế quốc Mông Cổ đạt tới tột đỉnh vào thời cháu nội của Genghis Khan là Đại Hãn Hốt Tất Liệt, vua triều Nguyên. Vào thời cực thịnh, Đế chế Mông Cổ đạt tới diện tích lớn nhất trong lịch sử loài người, trải dài từ Tây Bá Lợi Á (Siberia) xuống đến Đông Nam Á. Từ bán đảo Triều Tiên tới Bulgaria. Đế Quốc Mông Cổ đã chiếm hơn 50 quốc gia và thống nhất nửa dân số thế giới bao gồm các dân tộc đông dân và văn minh nhất thời kỳ đó như Trung Quốc và phần lớn các quốc gia của thế giới Hồi giáo ở Iraq, Ba Tư và Tiểu Á.

.Lịch Sử Cận Đại.

.Đế quốc Mông Cổ tàn lụi sau khi nhà Nguyên sụp đổ vào năm 1368.

.Năm 1691, Mãn Châu (Manchus) sáng lập nhà Thanh (Qing) chiếm Mông Cổ.

.Năm 1911 khi nhà Thanh sụp đổ Mông Cổ tuyên bố độc lập.

.Năm 1919 Nga bộn rộn đối phó với cuộc Cách Mạng trong nước, quân đội Trung Quốc chiếm Ngoại Mông. Lực lượng đối kháng lại Trung Quốc thành lập Đảng Nhân Dân Mông Cổ (Mongolian People’s Party) do giáo vương Bodg Khan Jibzundamba hỗ trợ. D. Sukhbaatar, một trong các sáng lập viên của đảng đi cầu cứu Nga để lập chính phủ và quân đội. Ông trở thành thủ lãnh quân đội. D, Sukhbaatar được coi là ‘Cha Đẻ của cuộc Cách Mạng”. Ngày nay tại thủ đô UB có quảng trường chính mang tên ông.

clip_image020[1]Quảng trường Sukhbaatar nhìn từ khách sạn Premier Best Western.

clip_image022[1]Tượng Sukhbaatar tại Quảng trường Sukhbaatar (ảnh của tác giả).

.Nga từ từ chiếm Mông Cổ bằng cách trợ giúp Mông Cổ chống lại Trung Quốc (giống như Trung Quốc trợ giúp Miền Bắc Việt Nam chống Mỹ Ngụy). Năm 1921 Nga chiếm lại và Ngoại Mông Cổ trở thành Nước Cộng Hòa Nhân Dân dưới ảnh hưởng của Nga vào năm 1924.

.Nhật xâm chiếm Mông Cổ năm 1938 nhưng nhờ có Nga trợ giúp Mông Cổ đẫy lui được Nhật.

Ngày chúng tôi rời Mông Cổ tổng thống Putin tới Mông Cổ dự lễ Kỷ Niệm 80 Năm ngày Nga giúp Mông Cổ đánh đuổi Nhật ra khỏi Mông Cổ.

.Mông Cổ trục xuất người Trung Quốc năm 1983.

.Năm 1987 Mông Cổ thoát ra khỏi sự đô hộ của Nga sau khi chế độ Cộng Sản Nga sụp đổ theo Bức Tường Ba Linh. Mông Cổ thiết lập ngoại giao với Hoa Kỳ và cuộc cách mạng Dân Chủ bằng biểu tình ôn hòa trổi dậy vào năm 1989 và 1990.

clip_image023[1]Tượng nhà giáo Sanjaa Zorig, người lãnh đạo cuộc cách mạng dân chủ Mông Cổ bằng biểu tình ôn hòa. Tượng ông ôm cặp hướng về Tòa Nhà Chính Phủ, coi như ông vẫn còn đi làm mỗi ngày cho nền Dân Chủ Mông Cổ (ảnh của tác giả).

Nhà giáo Sanjaa Zorig, người lãnh đạo cuộc cách mạng dân chủ bằng biểu tình ôn hòa. Ông thu hút cả triệu người đi biểu tình theo ông khiến Đảng Cộng Sản Mông Cổ phải từ chức, giúp Mông Cổ trở thành một nước dân chủ hiện nay. Zorig bị ám sát ngày 2 tháng 10, 1998 khi được chọn làm thủ tướng….

.Bầu cử dân chủ đầu tiên lập ra Great Hural (Thượng Viện) vào năm 1990 và bầu tổng thống đầu tiên vào năm 1993.

.Từ đó Mông Cổ chuyển dần dần một cách hòa bình tới nền Dân Chủ hiện nay.

3. Đời Sống Du Mục.

Người Mông Cổ sống phiêu bạt theo mầu xanh cỏ mọc.

clip_image024[1]Lều du mục vũ trụ ger (yurt).

Nhà ở truyền thống du mục của người Mông Cổ là căn lều hình vòm tròn biểu tượng vũ trụ gọi là ger hay yurt (tiếng Turk) có một nghĩa là nhà. Ger biến âm với Hán Việt gia, nhà. Vì thế tôi gọi là lều du mục vũ trụ (xem bài viết riêng Mông Cổ và Vũ Trụ Giáo). Ngay cả các Cung Điện (ordos) của các Khan (vua) Mông Cổ cũng là một thành phố ger di động.

Dân du mục Mông Cổ nuôi ngựa, bò yak, tuần lộc (reindeer), cừu, dê, lạc đà. Viếng thăm Mông Cổ có dịp thăm viếng, tìm hiểu, học cách sống du mục khi tiếp xúc với các gia đình du mục chăn nuôi bò Himalaya (Yaks), tuần lộc (reindeer), cừu dê, lạ đà, ngựa… (xem dưới).

Về sau khi tiếp xúc với Phật giáo Tây Tạng người Mông Cổ một số mới sống định cư quanh các tu viện Phật giáo. Ngày nay khoảng 30% dân số Mông Cổ là du mục hay bán du mục.

(còn nữa).

2 comments

  1. Chào BS.
    Thật thú vị với những bài viết của BS. Xin BS vui lòng cho phép tôi được đăng bài viết naỳ trên trang WEB . Lẽ dĩ nhiên đó là hai trang web hoàn toàn mang tính văn học như : Art2All.net. HBG.net.
    Chân thành cám ơn BS

    1. Quang Nguyen · · Reply

      Rất hân hoan, anh cứ tùy nghi miễn là nhớ kèm tên tác giả và nguồn blog của tôi.

      Cám ơn anh rất nhiều.
      Nguyễn Xuân Quang.

Leave a comment