CUBA: QUÊ HƯƠNG THỨ HAI CỦA TÁC GIẢ “NGƯ ÔNG VÀ BIỂN CẢ”.

.*Nếu cần bấm hai lần vào tựa bài để mở bài.

.Phải tuân thủ luật Tác quyền Copyright.

CUBA: QUÊ HƯƠNG THỨ HAI CỦA TÁC GIẢ “NGƯ ÔNG VÀ BIỂN CẢ”.

Nguyễn Xuân Quang.

clip_image001Tác giả ngồi ở cầu tầu bến cá Ngư Ông và Biển Cả tại làng chài Cojima, Cuba.

Ernest Hemingway, nhà báo kiêm nhà văn, tác giả Ngư Ông và Biển Cả (The Old Man and the Sea), tác phẩm viết tại Cuba được giải thưởng Nobel Văn Chương năm 1954, đã coi Cuba như một quê hương thứ hai.

Đến thăm Cuba lúc này các công dân Mỹ phải đội chiếc mũ với nhãn hiệu “Nhân Dân với Nhân Dân”, đến để học hỏi, nghiên cứu về văn hóa Cuba mới được chính phủ Hoa Kỳ cho phép. Thật ra thăm Cuba ngoài mục đích du lịch, còn tò mò muốn biết xem một đảo quốc theo chủ nghĩa xã hội, cộng sản sau thời kỳ mở cửa tương tự như Việt Nam bây giờ ra sao? So sánh với Việt Nam như thế nào? (sẽ viết vào dịp khác). Thêm nữa, chúng tôi còn thích đi theo dấu chân của Ernest Hemingway để tìm lại các cảm giác lúc trẻ khi đọc Trại Thổ Dân Mỹ châu (“ Indian Camp” viết năm 1924), Mặt Trời Vẫn Mọc (The Sun Also Rises, 1926), Giã Từ Vũ Khí (A Farewell to Arms, 1929), Hồi Chuông Báo Tử, (For Whom the Bell Tolls, 1940) và Ngư Ông và Biển Cả (The Old Man and the Sea, 1952)…

Ernest Hemingway tới thăm Cuba lần đầu tiên vào năm 1928. Mặc dù chỉ có hai ngày nhưng đã tương tư với Cuba. Với hai tác phẩm Ngư Ông và Biển Cả và Islands in the Stream ông đã được dân Cuba yêu mến và gọi là “Papa”. Ông đã ở Cuba nhiều lần, tổng cộng tới hơn 30 năm.

Vì thế dân Cuba sau này tôn vinh Ernest Hemingway thấy ở khắp nơi. Ảnh, tượng Ernest Hemingway tại nơi công cộng ngày nay ở Cuba còn thấy nhiều hơn cả của Fidel Castro!

Khách Sạn Ambos Mundos.

Địa điểm đầu tiên chúng tôi tới là Khách Sạn Ambos Mundos (Hai Thế Giới). Đây là nơi Ernest Hemingway ở khi mới đặt chân tới Cuba và bắt đầu tương tư với Cuba.

Khách sạn kiểu Art Deco nằm giữa Havana Cổ. Havana đã được thành lập từ năm 1519, năm nay là năm kỷ niệm thứ 500 năm. Havana, tôi gọi là Kinh Đô ‘Hoàng Hôn” của vùng Caribe. Havana là một kinh đô có mặt phải là mặt sáng của ngày, một khuôn mặt huy hoàng, giầu sang, rất thời trang như tất cả những kinh đô phồn hoa khác của thế giới lúc đó. Một ví dụ tiêu biểu là Havana có Điện Quốc Gia Capitol, El Capitolio còn lớn hơn cả Điện Capitol Hoa Kỳ. Kinh đô hoàng hôn này còn có một mặt trái của đêm là mặt tối, vì Havana đã từng là kinh đô của xã hội tranh sáng tranh tối của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã từng cai trị Cuba hàng mấy chục năm, Cuba là phần đất nối dài của Hoa Kỳ. Havana chỉ cách Key West, Florida khoảng  gần 90 dậm theo đường chim bay. Những thứ gì ‘nhá nhem’ không làm được hay phải né tránh luật lệ tại đất Hoa Kỳ đều có thể thực hiện được ở Cuba. Havana đã từng tổ chức họp mặt của các tay trùm xã hội đen của Hoa Kỳ và của khắp nơi trên thế giới dưới danh hiệu là Đại Nhạc Hội Frank Sinatra. Chính cái mặt tối này có lẽ đã đóng góp ít nhiều vào sự nẩy sinh ra chế độ cộng sản Fidel Castro.

Havana Cổ ngày nay được thừa nhận là một Địa Danh Di Sản Thế Giới UNESCO.

clip_image002clip_image005Khách sạn Ambos Mundos.

Vì lợi ích du lịch căn phòng số 511 mà Ernest Hemingway ngày trước ở ngày nay được tân trang lại. Ngay dưới lobby cũng dành một khu riêng trưng bầy các hình ảnh về cuộc đời Ernest Hemingway.

clip_image007Một khu phòng khách dành riêng trưng bầy các hình ảnh về cuộc đời Ernest Hemingway (ảnh của tác giả).

clip_image009Căn phòng 511 nơi Ernest Hemingway ở.

clip_image011Một chân của chiếc bàn viết của Ernest Hemingway (ảnh của tác giả).

clip_image013Chiếc rương du lịch Louis Vuiton và đôi giầy đã từng đi khắp nơi với Ernest Hemingway (ảnh của tác giả).

clip_image015clip_image016clip_image018Chiếc máy chữ của Ernest Hemingway.

Tại bàn viết này nhìn qua khung cửa sổ, thấy hải cảng cũ với Dòng Nước (Hải lưu) vùng Vịnh (Gulf Stream) mà Ernest Hemingway gọi là “dòng sông xanh lơ lớn’ (“great blue river”), lúc này đầu gối ông bị thương vì cuộc chiến ở Âu châu khi ông tình nguyện làm tài xế lái xe Hồng Thập Tự tải thương (ông đăng lính nhưng bị từ chối vì mắt kém), Ernest Hemingway đã viết ba tác phẩm tại đây.

Ngoài các tác phẩm của ông, phòng còn trưng bầy một số tranh, ảnh của các tác giả và họa sĩ thân quen với ông trong đó có Picasso…

Trên nóc khách sạn có một quán bar, tại đây có thể thấy toàn cảnh Havana.

clip_image020Bến cảng tuần dương du lịch nhìn từ nóc khách sạn Ambos Mundos (ảnh của tác giả).

clip_image022clip_image024Tượng Chúa Havana nhìn từ khách sạn Ambos Mundos (ảnh của tác giả).

Những người mê rượu mojito và xì gà Havana, những đặc sản nổi tiếng của Cuba, cho rằng tượng Chúa một tay đang cầm ly rượu mojito và một tay cầm điếu xì gà!

Ngay cuối cầu thang đi xuống tại một căn phòng có họa phẩm Ngư Ông và Biển Cả “Hemingway El Viejo y el Mar” do một số họa sĩ Cuba vẽ.

clip_image026Họa phẩm Ngư Ông và Biển Cả “Hemingway El Viejo y el Mar” do một số họa sĩ Cuba vẽ (ảnh của tác giả).

Từ khách sạn này Ernest Hemingway thường lang thang, la cà tới các quán rượu nổi tiếng lân cận. Về già Ernest Hemingway trở thành một con sâu rượu, một phần vì những thương tích về thể xác trong lúc làm phóng viên chiến trường, vì tai nạn xe hơi vài ba lần, vì tai nạn máy bay trong lúc đi săn ở châu Phi, vì đời sống gia đình (ông có tới 4 đời vợ), vì tuổi già, vì bệnh tật (ông bị yếu gan vì rượu, tiểu đường với biến chứng thận), nhất là vì cái cô đơn của người cầm bút. Viết tới đây gợi nhớ tới cái cô đơn của người cầm bút và rượu của Mai Thảo… Có lẽ một phần vì rượu kèm theo chứng trầm cảm và có dòng máu tự tử trong gia đình đã đưa đến việc Ernest Hemingway tự kết liễu đời mình năm 1961 (gia đình ông có ông nội, cha ông, ông và cô con gái sau này đều tự tử).

Theo dấu chân Ernest Hemingway từ khách sạn Ambos Mundos chúng tôi đi tới:

Quán Rượu La Bodeguita del Medio.

Quán Rượu La Bodeguita del Medio ở ngay góc đường trong một con phố nhỏ. Tên quán là Kho (Rượu) Nhỏ ở Giữa Khu Phố.

clip_image028Quán Rượu La Bodeguita del Medio trong một con phố nhỏ (ảnh của Amy Nguyễn).

Quán rượu này nổi tiếng vì là chỗ lui tới của những văn hào, nghệ sĩ nổi tiếng của Cuba và thế giới.

Chủ quán tự nhận đây là nơi ra đời của một loại rượu cocktail tên là mojito nổi tiếng lừng lẫy của Cuba. Mojito pha với nước chanh, rượu rum trắng và bạc hà tươi. Mojito gốc tiếng Cuba mojo là nước sốt, Latin thông thường *molliàre, mềm nhũn, mollis, mềm, biến âm với Việt ngữ mõm, mềm. Mojito là thứ cocktail ‘mềm dịu’. Quán chật cứng người. Tiếng nhạc, tiếng trống bongo, conga và lúc lắc maraca làm lung lay màng nhĩ.  Salsa, Merengue, Bachata… làm nhún nhẩy bắp thịt. Khói thuốc Cigar quện trong không khí như những đám sa mù. Phòng chật cứng các kỷ vật, tranh ảnh. Mặt tường kín tranh tường, chữ ký của những nhân vật biết tên và vô danh tiểu tốt.

clip_image030Tranh tường Quán Rượu La Bodeguita del Medio đầy chữ ký (ảnh của tác giả).

Ernest Hemingway mê mojito ở quán này có thể ngồi uống cả buổi, đếm ly quá năm đầu ngón tay. Trên kệ rượu sau quầy bar ngày nay còn treo tấm bảng với thủ bút khen mojito của Ernest Hemingway:

clip_image032‘My mojito in La Bodeguita, my daiquiri in El Floridita‘,’Mojito của tôi ở La Bodeguita và daiquiris của tôi ở El Floridita’ (ảnh của Amy Nguyễn).

Tiếp tục đi theo dấu chân của Ernest Hemingway trong Havana Cổ. Đi qua một con phố nhỏ có một Viện Bảo Tàng Á Châu trong trưng bầy nhiều món quà của Việt Nam tặng cho Cuba, gồm đủ thứ tiểu công nghệ, đồ gốm, các loại nhạc cụ cổ truyền của Việt Nam và của các tắc tộc Việt Nam.

clip_image034Một chiếc ‘vại’ gốm có hình chùa Một Cột (ảnh của tác giả).

Thu hút nhất đối với tôi là chiếc trống bằng bạc làm nhái theo trống Ngọc Lũ I của Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nông Đức Mạnh tặng Fidel Castro.

clip_image036Trống bạc nhái theo trống đồng Ngọc Lũ I của Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nông Đức Mạnh tặng Fidel Castro (ảnh của tác giả).

Trong chớp mắt, ta thấy ngay đây là trống ‘rỏm’ (rởm).

Như đã biết trống đồng nòng nọc (âm dương) của đại tộc Đông Sơn Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I) loại trống Ngọc Lũ I có hình cây nấm vũ trụ (nấm tam thế, nấm đời sống). Trống chia ra làm tam thế: mặt trời-không gian ở tâm trống là thượng thế cõi tạo hóa chiếu xuống mặt trống. Phần còn lại của mặt trống và tang trống là trung thế cõi người và chân trống là hạ thế (cõi âm, có âm ty, địa ngục). Thân trống là trục thế giới nối liền tam thế. Theo chính thống trung thế phải lớn và cao hơn hạ thế. Ở đây hạ thế chân trống rất cường điệu, to cao hơn cả trung thế mặt-tang trống và thân trống. Người làm trống đã bị đời sống dưới chủ nghĩa cộng sản ăn sâu vào tiềm thức nên đã làm phần chân trống hạ thế, nơi có địa ngục lớn nhất, cao nhất, đứng đầu trong tam thế!

Dĩ nhiên các trang trí gọi là “hoa văn” ‘viết’ sai ngữ pháp của chữ nòng nọc vòng tròn-que.

Quán Rượu El Floridita

Tiếp đến là Quán Rượu El Floridita (Tiểu Florida), được cho là nơi ra đời của cocktail Daiquiris (tên một tỉnh làm rượu Rum nổi tiếng ở Cuba).

clip_image038clip_image040El Floridita, nơi ra đời của El daiquiris (ảnh của tác giả).

Tường quán mầu hồng, mầu daiquiris dâu tây.

El daiquiris nguyên gốc pha bằng nước chanh, rượu rum và đường. Sau này chế biến có thêm hương vị trái cây khác như dâu tây, chuối, xoài… Trong Islands in the Stream, Hemingway viết “chúng không có vị rượu, khi uống, có cảm giác như đang trượt tuyết lao xuống dốc đồi băng hà trong phấn bụi tuyết”. Ông thường xuyên ‘ngự triều’ ở cuối quầy rượu tại đây. Ở chỗ ông thường ngồi lúc trước, ngày nay ngồi một pho tượng Ernest Hemingway to bằng người thật.

clip_image042Trò chuyện không lời nói với Ernest Hemingway trong El Floridita.

Đến đây trò chuyện bằng lời câm với Ernest Hemingway, nhâm nhi một ly daiquiris loại Papa Doble-Hemingway pha với hai xị rượu rum (Doble là hai) đặc biệt và không có đường (như đã nói ở trên khi về già Ernest Hemingway bị tiểu đường với biến chứng thận).

Tiệm Ăn và Quán Rượu Sloppy Joe.

Với cảm giác lâng lâng của mojito và daiquiris, chân đã thấy nhẹ bước, đi như bay bổng tới một quán rượu yêu chuộng khác nữa của Ernest Hemingway. Đó là Sloppy Joes.

clip_image044Tiệm ăn và quán rượu Sloppy Joes (ảnh của tác giả).

Sloppy có nghĩa đen là ướt át, ướt nước, chẩy tan ra nước và nghĩa bóng là bất cẩn, cầu thả, bê tha, lôi thôi lốc thốc… Tiệm bán rượu và hải sản ướp đá lạnh (như sò sống). Trời Cuba nóng làm nước đá ướp lạnh thức ăn tan chẩy ra ướt lênh láng mặt bàn nên các thực khách tặng cho ông chủ tiệm José (Joe) García Río cái hỗn danh là Sloppy Joe.

Tiệm rất lớn thành lập từ năm 1917. Ở Key West Florida cũng có một tiệm mới mở sau này cùng tên.

Nếu ai uống ở cả ba tiệm thì bước ra khỏi Sloppy Joe cũng trở thành… sloppy.

Rời Havana đi thăm các nơi khác mang dấu chân Ernest Hemingway chúng tôi thuê bao một chiếc taxi loại xe cổ Hoa Kỳ.

clip_image046

Nông Trại Vinca Vigia (“Lookout Farm”).

Năm 1939, Hemingway định cư thường trực gần tỉnh San Francisco de Paula, cách Havana khoảng 15 dậm, ngôi nhà là một trang trại đặt tên là Vinca Vigia rộng 15 mẫu Anh do người vợ thứ ba Martha Gellhorn, cũng là nhà báo nổi tiếng tìm mua.

clip_image048Một phòng trong nhà (nguồn: Sasha Wood).

Ernest Hemingway sống tại đây từ 1939 tới 1960, nơi ông viết nhiều tác phẩm trong đó có The Old Man and the Sea, A Moveable FeastIslands in the Stream.

Sau thời Cách Mạng 1959, Đại Sứ Mỹ báo cho Ernest Hemingway biết chính phủ Hoa Kỳ sẽ cắt đứt mối bang giao với Cuba và thuyết phục ông phải rời Cuba. Đại sứ phải ba lần tới gặp Ernest Hemingway mới thuyết phục được ông. Ông ra đi và hẹn ngày trở lại Cuba. Quả đúng tác giả Ngư Ông và Biển Cả đã coi Cuba là một quê hương thứ hai của mình.

Căn nhà bỏ hoang phế, mới được chính phủ Cuba bỏ ra hàng triệu Mỹ kim trùng tu lại như cũ. Giờ là một thứ bảo tàng viện cho Ernest Hemingway.

Rất tiếc chúng tôi đến Cuba vào cuối tuần, nhà đóng cửa.

Bến Du Thuyền (Marina) Hemingway.

Có cả một bến du thuyền tân kỳ đặt tên Ernest Hemingway.

clip_image050Bến Du Thuyền Hemingway (ảnh của tác giả).

Đây là nơi tổ chức Hemingway International Billfishing Tournament hàng năm (Billfish là tên dân dã của cá Marlin, gọi theo chiếc mõm bill dài và nhọn như cây mác, như cây lao).

Làng Đánh Cá Cojimar.

Ernest Hemingway là một người thể thao thích đời sống ngoài trời, săn bắn, câu cá. Ở Cuba những lúc không viết, ông thường đi câu cá mũi lao Marlin, một loài cá lớn, rất mạnh. Câu cá marlin được coi như là một môn thể thao. Trước khi đến Cuba, ông đã mua chiếc tầu đặt tên là Pilar, sống bềnh bồng trên vùng biển Caribe.

Ông đậu tầu tại bến cảng làng Cojimar, một vùng vịnh thanh tịnh nên thơ.

clip_image052Bến cảng Cojimar với pháo đài có từ thế kỷ 17 (ảnh của tác giả).

Nơi đây ông tìm được hứng khởi viết cuốn Ngư Ông và Biển Cả. Tác phẩm này đã đoạt được giải Nobel Văn Chương năm 1954. Ông đã trao tặng giải Nobel này cho Cojimar: “Giải này thuộc về Cuba bởi vì tác phẩm của tôi đã thai nghén và thành hình ở Cuba, với người Cojimar của tôi, nơi đó tôi là một công dân”.

Sau khi Ernest Hemingway qua đời, dân làng chài này góp các cánh quạt ‘đuôi tôm’ (propellers) tầu đánh cá của họ, đúc thành một pho tượng Ernest Hemingway đặt tại đài tưởng niệm tại biến cảng ở đây.

clip_image054
Đài tưởng niệm Ernest Hemingway của làng chài Cojimar (ảnh của tác giả).

Cuốn phim Ngư Ông và Biển Cả được quay tại bến cảng này.

clip_image001[1]Cầu bến cá trong truyện và trong phim Ngư Ông và Biển Cả.

Islands in the Stream.

Hemingway đi săn cá marlin khắp cả vùng Gulf Stream rộng 12 dậm ở vùng duyên hải phía bắc Cuba, nơi có rất nhiều đảo nhỏ như Cayo Jutias, Cayo Levisa và Cayo Paraiso…

clip_image056Ernest Hemingway và cá marlin.

Xin nói một chút ngôn ngữ học về từ Tây Ban Nha cayo có nghĩa là đảo cát hay san hô nhỏ hay bờ đá ở biển như Cococay (Đảo Dừa ở Caribe, Borocay ở Philippine). Từ này phát từ nguyên gốc là cay trong ngôn ngữ Taíno, một thứ ngôn ngữ nói ở vùng Caribe trong đó có Cuba. Cay, cayo ruột thịt với Pháp ngữ quai (phát âm /ke/), Anh ngữ quay (/ki/), bến tầu, key như Key West, Florida… với Việt ngữ ke (que, cọc), (cây có thân như cây cột không có cành, palm), kẻ (que thẳng dùng làm thước kẻ), (kè đá ở bờ nước)… bến tầu nguyên thủy chỉ là một tảng đá (kè đá), một cây cọc (ke) cắm ở bờ nước để cột thuyền. Ke, kè ruột thịt với Hán Việt cừ (đóng kè = đóng cừ), chử. Chử Đồng Tử là cậu Con Trai (có cọc, có cược…) họ Chử (Cừ) sống bên bờ nước, ở làng chài Chử Xá nên không mặc… quần cho tiện! Chử Đồng Tử ở bờ nước có nõ thuộc tộc Nước, Rắn, Rồng Lạc Long Quân gặp Tiên Dung. Nường Tiên Dung có Dung, Dong là bao, bọc (lá dong dùng gói bánh chưng), có nang (bao, bọc), có Nường thuộc dòng Tiên, Lửa, Chim Âu Cơ.  Hai người lấy nhau do “duyên tiền  định” theo luật nòng nọc (âm dương), nõ nường của vũ trụ, trời đất. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy cốt lõi của văn hóa Việt là Chim-Rắn, Tiên Rồng , nòng nọc (âm dương).

Tôi khám phá ra Taíno ngữ cay liên hệ với mật thiết với Việt ngữ cây (với nghĩa là kè (ki, cây), có lẽ qua trung gian ngôn ngữ Nam Đảo, Đa Đảo, lan truyền tới vùng biển Caribe. Việt ngữ cây (cọc, nọc, kè) trôi dạt qua tới Caribe thành cay.

Ở bến cảng này ta có thể thuê tầu đến các cayo đó tìm dấu chân của Ernest Hemingway. Trời đã xế bóng, chúng tôi thấy không cần thiết nữa.

Chính vùng đảo này đã giúp Ernest Hemingway viết ra tác phẩm nổi tiếng Islands in the Stream.

Tiệm Ăn và Quán RượuTerraza de Cojimar

Tất nhiên tại tỉnh đánh cá này phải có một quán rượu ưng ý của Ernest Hemingway. Đó là tiệm Terraza de Cojimar.

clip_image058Tiệm Ăn và Quán Rượu Terraza de Cojimar (ảnh của tác giả).

clip_image060Uống ly mojito cuối cùng trong ngày với Ernest Hemingway.

Tiệm cũng trưng bày hình ảnh và các vật lưu niệm của Ernest Hemingway.

…..

Phần còn lại trong ngày chúng tôi dùng xe thăm những vùng ngoài lối mòn du lịch cho biết sự tình đất nước Cuba như thế nào sau thời đổi mới, để so sánh dân Cuba với dân Việt mình sau thời mở cửa, trước khi đi ăn tối và xem Ca Vũ Nhạc Tropicana Cabaret đặc thù, nổi tiếng khắp thế giới của Cuba.

 

Leave a comment