TRỐNG ĐỒNG ĐS LÀ TRỐNG BIỂU CỦA HÙNG VƯƠNG (phần 1)

(*Nếu cần, bấm hai lần vào Tựa Bài để mở bài).

 

TRỐNG ĐỒNG LÀ TRỐNG BIỂU CỦA HÙNG VƯƠNG

(Phần 1).

Nguyễn Xuân Quang

 

(Bài Nói Chuyện tại Buổi Họp Mặt Văn Hóa Phong Châu Mở Hội Tiên Rồng tại San José, Bắc Cali, Hoa Kỳ Ngày 12 Tháng 9, 2010).

 

 

Kính thưa quí vị,

Tôi đã đầu tư một phần đời để đi tìm cái căn cước Việt, cái sắc thái Việt , cái bản sắc Việt và đã viết ba bộ sách chính mà tôi gọi là ba bộ sử là Sử Sách, Sử Miệng và Sử Đồng. Quyển thứ nhất sử sách là quyển Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt dựa vào các tài liệu sử sách. Quyển thứ hai sử miệng là quyển Ca Dao Tục Ngữ Tinh Hoa Dân Việt dựa vào các tài liệu văn chương truyền khẩu và truyền thuyết. Quyển thứ ba là sử đồng Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á dựa vào tài liệu khảo cổ học, chính yếu là trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn. Hôm nay xin nói qua bộ sử đồng này qua đề tài Trống Đồng Là Trống Biểu Của Hùng Vương.

Kính thưa quí vị,

Qua các tác phẩm Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt, Ca Dao Tục Ngữ Tinh Hoa Dân Việt, Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc và các bài viết của tôi đăng trên blog bacsinguyenxuanquang.Wordpress.com chúng ta đã biết cốt lõi của văn hóa Việt là Vũ Trụ Tạo Sinh có tín ngưỡng là Vũ Trụ giáo dựa trên nguyên lý lưỡng hợp nòng nọc, âm dương, chim-rắn, tiêu biểu là Hùng Vương có bản thể lưỡng hợp nòng nọc, âm dương có Mẹ là Chim-Lửa Âu Cơ và Cha Rắn-Nước Lạc Long Quân. Cốt lõi Chim-Rắn này ngày nay chúng ta gọi là Tiên Rồng như thấy qua cái tên của buổi họp mặt văn hóa hôm nay là Phong Châu Mở Hội Tiên Rồng.

Và qua tác phẩm Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á, ta cũng đã biết trống đồng của đại tộc Đông Sơn là trống nòng nọc, âm dương, trống biểu của Vũ Trụ giáo. Vì thế trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn là bộ SỬ ĐỒNG của Đại Tộc Việt, là VIỆT DỊCH ĐỒNG. Hiển nhiên TRỐNG ĐỒNG NÒNG NỌC, ÂM DƯƠNG CỦA ĐẠI TỘC ĐÔNG SƠN LÀ TRỐNG BIỂU CỦA HÙNG VƯƠNG rất hợp lý.

 

 

TRỐNG ĐỒNG LÀ TRỐNG BIỂU CỦA HÙNG VƯƠNG.

 

Trước hết ta hãy tìm hiểu tại sao trống đồng lại dùng làm trống biểu cho Hùng Vương?

 

1. Trống là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng của ngành nọc đực, trống, dương, mặt trời.

 

Mỗi một vị tù trưởng, một vị vua, một tộc, một đại tộc, một quốc gia đều chọn một biểu tượng. Hùng Vương cũng phải có một biểu tượng. Một trong những biểu tượng của Hùng Vương là trống đồng. Câu hỏi được đặt ra là tại sao Hùng Vương lại chọn trống đồng làm biểu tượng?

Xin thưa:

.1. Trống có một nghĩa là trống (đực như gà trống, trống mái) nên trống thờ là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng của ngành nọc, đực, trống, dương, mặt trời (dương có một nghĩa là mặt trời) ví dụ điển hình là ở Nam Dương ngày nay có những ngôi nhà làng có để trống hay trang trí trống gọi là haus tambaran, là nhà trai tráng (bachelor’s house), nhà phái nam (men’s house). Những ngôi nhà trống này là di duệ, con cháu của những ngôi nhà nọc, nhà trống, nhà mặt trời thấy trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn. Trên trống của đại tộc Đông Sơn ngôi nhà nào có để trống hay bên cạnh có dàn trống là ngôi nhà nọc, nhà trống, nhà phái nam, nhà mặt trời (của cả hai ngành) (Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á). Nhà lang, nhà đình  của chúng ta giống như những ngôi nhà trống của một vài tộc ở Nam Dương, là con cháu của ngôi nhà nọc, nhà trống, nhà mặt trời còn thấy trên trống đồng nòng nọc, âm dương (nhà đình là nhà đinh, nhà tráng đinh, nhà con trai, nhà phái nam, nhà trống. Ngày xưa phụ nữ cấm không được bước chân vào đình). Ví dụ tiêu biểu nhất là tại đền Hùng Vương có để một chiếc trống đồng. Như thế đền Hùng Vương là nhà nọc, nhà trống, là tổ đình mặt trời, là đền thờ mặt trời, thờ các vua mặt trời dòng thần mặt trời Viêm Đế. Văn hóa trống là văn hóa của ngành nọc, trống, dương, mặt trời. Trong khi cồng là một thứ trống âm biểu tượng cho văn hóa của các tộc thuộc ngành âm (trống đồng lật ngược lên thành cái cồng nồi mang âm tính, xem dưới). Một số sắc tộc Tây Nguyên có văn hóa cồng chiêng. Họ có nguồn gốc là các tộc ngành nòng, nước từ Nam Đảo đi lên. Họ có truyền thuyết nói rằng cồng chiêng là do một người nữ sáng tạo ra. Trong mỗi bộ cồng bao giờ cũng có một chiếc cồng chính gọi là cồng Mẹ rồi mới đến cồng cha, cồng con.

Ta thấy rất rõ các con trai của Hùng Vương gọi là Quan Lang là Chàng Lang (tử nôm Tầy Quan là Chàng), Lang là Chàng. Chàng có một nghĩa là chiếc chàng (chisel), chiếc đục, là đực, trống, dương, mặt trời (Quan Lang có chàng, có đục, Mẹ Nàng có nàng, có nang, có túi).

Hùng Vương có Hùng có một nghĩa là đực, trống (thư hùng), mặt trời.

Như thế tổng quát trống là trống biểu của các Lang Hùng và của Hùng Vương có một nghĩa là con trai, đực, trống, dương, mặt trời.

Đặc biệt hơn trống đồng còn có điểm đặc biệt là bất cứ trống đồng nào cũng có mặt trời ở tâm trống. Trống đồng mà không có mặt trời ở tâm trống không phải là trống đồng của đại tộc Đông Sơn. Như thế trống đồng của đại tộc Đông Sơn hiển nhiên có một khuôn mặt biểu tượng cho ngành mặt trời. Điểm này ăn khớp trăm phần trăm với khuôn mặt mặt trời của các Lang Hùng và Hùng Vương dòng thần mặt trời Viêm Đế. Như thế trống đồng có mặt trời ở tâm trống của đại tộc Đông Sơn là trống biểu của các Lang Hùng và Hùng Vương có một khuôn mặt là mặt trời.

Tiến xa hơn, mặt trời ở tâm mặt trồng bao giờ cũng nằm trong vòng tròn không gian. Mặt trời-không gian là nòng nọc, âm dương, lưỡng hợp ăn khớp với bản thể lưỡng hợp chim-rắn của Hùng Vương.

Tóm lại

.Trống biểu tượng cho ngành trống (đực, hùng), cho Lang, Hùng.

.Trống đồng có mặt trời là trống biểu của Lang, Hùng Vương dòng mặt trời Viêm Đế (Đế Minh là cháu ba đời thần mặt trời Viêm Đế).

.Trống đồng có mặt trời-không gian lưỡng hợp, nòng nọc, âm dương là trống biểu của Trăm Lang Hùng, của Hùng Vương, Vua Mặt Trời có bản thể lưỡng hợp chim-rắn dòng thần mặt trời Viêm Đế.

Bằng chứng cụ thể nhất là tại đền Hùng Vương tại Vĩnh Phú cũng có để một chiếc trống đồng Trứng Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang loại I giống loại trống thùng (barrel drum) có hình trứng (biểu tượng lưỡng hợp nòng nọc, âm dương)  nhưng vẫn để hở đáy, giữ đúng theo truyền thống của trống đồng nòng nọc, âm dương (Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á).

Xin lưu ý

Tại sao tại đền tổ Hùng lại để trống đồng hở đáy nòng nọc, âm dương hìh trứng (trống Trứng Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang loại I) giống loại trống thùng mà không để các trống đồng loại khác thường thấy hơn, quen thuộc hơn? Xin thưa vì Hùng Vương lưỡng hợp sinh ra từ bọc Trứng Vũ Trụ.

Tiến xa thêm nữa, tất cả danh xưng của Đại Tộc Việt thuộc ngành trống, dương, mặt trời Hùng Vương  dòng thần mặt trời Viêm Đế đều có nghĩa là nọc (bộ phận sinh dục nam, đực, trống, dương, mặt trời…). Ví dụ thần mặt trời Viêm Đế là «Trụ Nóng, Nọc Nóng» (Viêm là Nóng, Đế là Trụ nâng đỡ như đế hoa). Ta thấy khuôn mặt «Pillar of Fire» (Trụ Lửa một thứ Nọc Nóng) của Shiva Ấn giáo có biểu tượng là linga chính là một khuôn mặt của Viêm Đế. Đế Minh là cháu ba đời của thần mặt trời Viêm Đế. Đế Minh là Cọc Sáng, Cọc Ánh Sáng sinh ra vua tổ thế gian của Đại Tộc Việt là Kì Dương Vương. Kì Dương Vương có Kì là Ki, Si (cây) là Kèo (que, nọc) là đực, là trống, là mặt trời (xem bài viết Kẻ Sĩ); núi Kì là Núi Trụ thế gian ; Lạc Long Quân con của Kì Dương Vương có Lạc ,ngoài nghĩa là Nước dương, hiểu theo diện ngành mặt trời thái dương có nghĩa là Gạc (bắn lạc = bắn gạc). Gạc có một nghĩa là sừng (cọc nhọn) hàm nghĩa nọc, đực, trống (như hươu gạc, muông gạc, hươu sừng là hươu đực, hươu trống. Anh ngữ hart, hươu sừng, hươu đực, theo g=h (gồi = hồi), hart = gạc, Pháp ngữ garçon, con trai, có gar- = gạc).

Lạc là gạc nước (ở dưới nước). Lạc Long Quân có thú biểu là con vật  có sừng, có gạc sống được dưới nước như con trâu, con cá sấu (có vi sừng). Các tộc thuộc dòng sống dưới nước, trên thuyền như long nhân, long hộ có biểu tượng là con rắn lạc có gạc. Các tộc thuộc dòng đất có nước, ao đầm, ruộng nước như Lạc Việt có biểu tượng con cá gạc, con ngạc (Hán Việt là con cá sấu), con cá sấu mõm dao, rồng-cá sấu gạc mõm dao (xem dưới).

Và Hùng Vương đã nói ở trên.

Ngay cả từ Việt có nghĩa là cây vớt (con dao dài nhọn), là rìu (vật nhọn) cũng có nghĩa ruột thịt với nọc, trống, dương, mặt trời. Người Việt là Người Mặt Trời… ( xem Việt Là Gì ? Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt).

Tóm lại tất cả danh xưng của Đại Tộc Việt đều có nghĩa là nọc (bộ phận sinh dục nam, đực, trống, dương, mặt trời…)  thuộc ngành trống, dương, mặt trời Hùng Vương  dòng thần mặt trời Viêm Đế. Hùng Vương, Đại Tộc Việt dùng trống làm biểu tượng thích hợp trăm phần trăm.

Nếu còn ai chưa chịu tin, ta có thể kiểm chứng với những nền văn hóa thờ mặt trời nổi tiếng nhất thế giới:

a. Các vị vua mặt trời Pharaohs của Ai Cập con cháu của thần mặt trời lưỡng hợp Ra, Re cổ đều có biểu tượng nọc, đực, nam… diễn tả bằng chòm râu dê biểu tượng cho dương tính, nam giới ở dưới cằm. Ngay cả nữ hoàng Hatshepsut thoán quyền tự xưng mình là một Pharaohs các hình tượng của bà cũng có chòm râu dê ở dưới cầm và vị Pharaoh vị thành niên Tutankhamun chết vào lúc khoảng mười hai tuổi cũng có chòm râu dê. Con dê sừng biểu tượng cho nọc, trống, đực, nam có chòm dâu dê có một khuôn mặt là biểu tượng cho thần mặt trời Ai Cập cổ. Các vua mặt trời Pharaohs đều là có biểu tượng nam giời tương đương với các Hùng Vương  đều là những Lang những chàng.

b. Các tộc thổ dân cổ Peru nói ngôn ngữ Quechua ở vùng núi Andes thờ mặt trời, trong đó có đế quốc Inca thờ thần mặt trời Inti ta thấy “In the Native American languages of the Andes, the concepts of ‘ancestor’, ‘lineage’ and ‘penis’ are linked linguistically and metaphorically” (Salomon 1991:20; Zuidema 1977:256) (Trong ngôn ngữ Thổ Dân Mỹ châu vùng Andes, quan niệm về “tổ tiên”, “nòi giống” và “dương vật” nối kết về ngôn ngữ và ẩn ý). Hai tác giả này không nhìn theo Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo nên dừng lại ở nghĩa nọc nguyên thủy là bộ phận sinh dục nam không chọn nghĩa mặt trời. Ở đây nọc, dương, penis phải lấy theo nghĩa biểu tượng triết thuyết là mặt trời mới chỉnh. Ta thấy họ giống hệt trăm phần trăm như chúng ta vì họ và chúng ta đều là Người Mặt Mặt Trời. Chúng ta có tổ tiên là Tổ Hùng có một nghĩa là Đực, Trống, bộ phận sinh dục nam, mặt trời thuộc giống Việt Người Mặt Trời con cháu Thần Mặt Trời Viêm Đế còn họ là con cháu thần mặt trời Inti. Tên tổ tiên nòi giống của họ liên hệ với penis hay có ẩn nghĩa penis giống hệt trăm phần trăm tất cả danh xưng của Đại Tộc Việt thuộc ngành trống, dương, mặt trời Hùng Vương  dòng thần mặt trời Viêm Đế đều có nghĩa là nọc (bộ phận sinh dục nam, đực, trống, dương, mặt trời…).

Ta thấy rất rõ như dưới ánh sáng mặt trời là Hùng Vương con cháu của thần mặt trời  Viêm Đế giống trăm phần trăm với các vua mặt trời Pharaohs, con cháu của thần mặt trời Re, Ra và với các dòng vua Inca là con cháu thần mặt trời Inti. Ba nền văn hóa thờ mặt trời này đều có triết thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh, có Vũ Trụ giáo dựa trên nguyên lý lưỡng hợp nòng nọc, âm dương như nhau (xem các bài viết Sự Tương Đồng Giữa Cổ Sử Việt Với Ai Cập Cổ và Với Inca).

 

Xin lưu ý

 

Qua những điều vừa thấy, ta phải hiểu, phải diễn dịch truyền thuyết bọc trứng nở ra trăm lang Hùng toàn là con trai là bọc Trứng Vũ Trụ, bọc Trứng không gian-mặt trời. Khi bọc trứng nở ra, tách ra (phân cực) làm hai, ta có phần thứ nhất là mặt trời, là nọc,  là dương, là đực, là đục (chisel) là chàng (có một nghĩa là chisel), là Lang, là Hùng, là phái tu mi nam tử vua mặt trời Pharaohs, là các vua cọc, cược (penis), mặt trời của đế quốc mặt trời Inca và phần thứ hai là không gian, là nòng, là nang( bọc,  túi), là nàng, là các mẹ nàng. Các Lang có chàng thuộc ngành nọc dương mặt trời. Các mẹ nàng có nang, có túi, có bọc thuộc ngành nòng không gian.

Truyền thuyết ghi bọc trứng nở ra trăm lang Hùng toàn là con trai là chỉ có ý  nói về phía ngành Lang Hùng, Hùng vương mặt trời mà thôi và cho biết các Lang là dòng mặt trời.

 

Như thế trăm phần trăm Hùng Vương là vua mặt trời (đúng trăm phần trăm theo truyền thuyết Đế Minh là cháu ba đời thần mặt trời Viêm Đế), Văn Lang là đế quốc mặt trời, Đại Tộc Việt là Đại Tộc Người Mặt Trời. Điểm này còn ghi khắc trong sử đồng của đại tộc Đông Sơn (xem dưới).

 

Do đó trăm phần trăm trống đồng nòng nọc âm dương  có hình mặt trời-không gian ở tâm trống là trống biểu của Vua Trống Hùng Vương mặt trời lưỡng hợp của Đại Tộc Việt dòng thần mặt trời Viêm Đế.

 

2. Trống đồng là trống nòng nọc, âm dương biểu tượng cho Hùng Vương lưỡng hợp.

Không phải trống nào cũng dùng làm trống biểu cho Hùng Vương lưỡng hợp. Như đã nói phải là trống nòng nọc, âm dương.

Về hình thức trống đồng có mặt đáy để hở là mặt âm và mặt đặc là mặt dương, trống đồng là trống nòng nọc, âm dương. Về nội dung, chủ thể của trống đồng là hình mặt trời ở tâm trống bao giờ cũng nằm trong không gian có vỏ là vòng tròn bao quanh đỉnh các nọc tia sáng, có nghĩa là trống đồng có mặt trời-không gian ở tâm trống. Trống đồng là trống mặt trời-không gian, trống vũ-trụ, trống Trứng Vũ Trụ, trống nòng nọc, âm dương. Điểm này ăn khớp với khuôn mặt lưỡng hợp chim-rắn Mẹ Âu Cơ- Cha Lạc Long Quân của các Lang Hùng, Hùng Vương. Như thế trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn có một khuôn mặt là trống biểu của các Lang Hùng, Hùng Vương lưỡng hợp.

Nếu nhìn theo duy dương ngành mặt trời thì mặt trời nằm trong không gian là mặt trời mang tính không gian, mang tính sinh tạo, tạo hóa. Điểm này cũng ăn khớp với các Lang Hùng (con trai, mặt trời) sinh ra từ bọc trứng không gian. Như thế trống đồng nòng nọc, âm dương cũng có một khuôn mặt biểu tượng cho các Lang Hùng sinh ra từ bọc không gian, cho các Hùng Vương có một khuôn mặt là mặt trời sinh tạo, tạo hóa giống như mặt trời sinh tạo, tạo hóa (sun as Creator) Ra hay Re của Ai Cập cổ.

3. Mặt trời-không gian ở tâm mặt trống là Trứng Vũ Trụ là Bọc Trứng Hùng Vương.

 

Nhìn dưới diện nhất thể, mặt trời-không gian ở tâm mặt trống là bọc Trứng Vũ Trụ, bọc trứng Hùng Vương.

 

 

Mặt trời có nọc tia sáng hình nọc mũi tên (mũi mác, răng cưa, răng sói) nằm trong vòng tròn  không gian trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I mang hình ảnh Bọc Trứng Lang Hùng.

Bọc Trứng Hùng Lang mặt trời-không gian viết theo chữ viết nòng nọc vòng tròn-que là chữ chấm vòng tròn.

Chữ chấm vòng tròn diễn tả bọc trứng Lang Hùng  lưỡng hợp mang hình ảnh Trứng Vũ Trụ.

Đây cũng chính là linh tự (hieroglyph) Ra, Re thần mặt trời Tạo Hóa (Sun as Creator) của Ai Cập cổ. Tổ Hùng  có một khuôn mặt sinh tạo tạo hóa như thần mặt trời Ra vì cả hai đều có bản thể lưỡng hợp nòng nọc, âm dương.

Cũng nên biết chữ vòng tròn có chấm  hay chấm vòng tròn này là chủ điểm của tác phẩm The Lost Symbol của Dan Brown. Dan Brown giải thích the Lost Symbol này chưa hết ý nghĩa theo chữ viết nòng nọc vòng tròn-que, theo Dịch nòng nọc, âm dương.

4. trống đồng nòng nọc, âm dương là trống diễn tả thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh, là trống biểu của Vũ Trụ giáo, cốt lõi của văn hóa Đại Tộc Việt.

Nòng nọc, âm dương là nền tảng của Vũ Trụ Tạo Sinh. Hùng Vương mang trọn ý nghĩa của triết thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo, dựa trên nền tảng nguyên lý lưỡng hợp nòng nọc, âm dương, chim-rắn.

Xin sơ lược kiểm điểm so sánh Hùng Vương và trống đồng nòng nọc, âm dương dựa theo Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo. Xin nhắc lại sơ qua  về quá trình của Vũ Trụ Tạo Sinh là khởi đầu từ Hư Vô (Vô Cực), sau đó cực hóa có âm dương nhưng còn quyện vào nhau dưới dạng Trứng Vũ Trụ (Thái cực). Thái Cực phân cực thành hai cực âm dương Lưỡng Nghi. Lưỡng Nghi giao hòa sinh ra Tứ Tượng. Tứ Tượng dương liên tác với  tứ tượng âm sinh ra vũ trụ muôn sinh gọi là Tam Thế. Tam Thế với Trục Thế Giới tạo thành Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống)…

 

Hư Vô, Hư Không,  Không Gian.

 

Hư không là khởi điểm và cũng là điểm cuối cùng của Vũ Trụ Tạo Sinh, của vòng sinh tử, tử sinh.  Trong các nền văn minh cổ đại trong đó có cổ Việt, con người khi chết được chôn trong các vò, chum, vật đựng hình tròn, hình trứng, hình dạ con biểu tượng cho hư không, Trứng Vũ Trụ, dạ con vũ trụ. Người chết được đặt ở tư thế thai nhi ngồi trong bụng mẹ. Người chết ngồi trong dạ con của mẹ vũ trụ để trở về với hư không, bầu vũ trụ, để được tái sinh hay sống hằng cửu.

Trống có một nghĩa là không. Trống không. Như  thế trống có một khuôn mặt biểu tượng cho hư không. Tiếng trống là tiếng nói của hư không.

Trống đồng cũng có một khuôn mặt biểu tượng cho hư vô, hư không thấy qua một chức vụ của trống đồng nòng nọc, âm dương là dùng chôn đầu sọ, tro than người chết đẻ hồn người chết trở về hư vô. Các tù trường, các vị vua, quan khi chết có trống đồng chôn theo. Về sau dùng các lọai trống nhỏ cao chừng ba bốn phân Tây (cm) gọi là trống minh khí, dùng như một vật tùy táng thay cho trống lớn. Các trống minh khi này dùng như một thứ bùa mệnh, một thứ la bàn hay một thứ thông hành (pass-port) giúp hồn người chết trở về hư vô, trở về miền hằng cửu. Trống minh khí giống như các con bọ hung scarabus của Ai Cập cổ bỏ trong các quan tài chôn theo người chết.

Trống (con trai) Lang Hùng nguyên thủy sinh ra từ cái bọc có một khuôn mặt là bọc Hư Vô, Hư Không.

 

-Thái cực

 

Hư không cực hóa có nòng nọc, âm dương nhưng mới đầu nòng nọc, âm dương còn quyện vào nhau ở trạng thái nhất thể gọi là Trứng Vũ Trụ, Thái Cực.

Dưới diện nhất thể bọc trứng Hùng Vương mang hình ảnh Trứng Vũ Trụ, Thái Cực.

Trống biến âm với trấng, trứng. Trống có một khuôn mặt biểu tượng cho Trứng Vũ Trụ.

Như đã nói, tại đền Hùng Vương có treo một chiếc trống đồng hình trứng. Trống này là trống Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang I có hình trứng giống như các trống thủng trường làng (Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á). Dưới diện nhất thể, mặt trời-không gian ở tâm mặt trống là Trứng Vũ Trụ, Thái Cực, là hình ảnh của bọc trứng Lang Hùng. Dưới diện nhất thể, như đã nói, Hùng Vương có bản thể nòng nọc, âm dương chim-rắn còn thấy trong sử đồng qua hình chim lửa mỏ rìu nằm trong miệng rắn nước ở đầu các con thuyền trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I và Hoàng Hạ. Đây là dạng lưỡng hợp cổ sơ nguyên thủy của Đại Tộc Việt. Về sau này chim-rắn thần thoại hóa thành Tiên-Rồng.

Trống đồng nào không có mặt trời nằm trong vòng tròn vỏ không gian ở tâm mặt trống không phải là trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn.

-Lưỡng nghi:

Khi phân cực, bọc Trứng Vũ Trụ tách ra hai cực nòng và nọc, âm và dương.

Bọc Trứng Hùng Vương mặt trời-không gian phân cực ra cực dương, ngành nọc dương, mặt trời trăm quan Lang và cực âm, ngành nòng không gian trăm mẹ Nàng. Theo duy dương, ngành nọc mặt trời, trăm Lang lại chia ra 50 Lang thuộc ngành Nọc Việt mặt trời Lửa, nhánh mặt trời nọc dương Viêm Đế và 50 thuộc Nọc Việt mặt trời Nước nhánh mặt trời nọc âm Thần Nông của ngành nọc mặt trời thái dương.

Về phía trống đồng nòng nọc, âm dương, tất cả các chi tiết trên trống đồng đều diễn tả theo hai khuôn mặt nòng nọc, âm dương. Ở đây chỉ xin đưa ra một ví dụ điển hình là mặt trời với hai loại tia sáng nòng nọc, âm dương: tia sáng nọc mũi tên (mũi mác, răng cưa, răng sói) như đã thấy trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I thuộc ngảnh nọc Việt mặt trời Lửa thái dương và vòng ánh sáng nòng vòng tròn thấy ở trên trống Đào Xá thuộc ngảnh nòng Việt mặt trời Nước thái dương.

 

Trống Đào Xá có ánh sáng âm nòng vòng tròn.

Ta thấy trong các nền văn hóa thờ mặt trời, duy chỉ có văn hóa của đại tộc Đông Sơn thờ mặt trời còn giữ được ánh sáng ở dạng nòng nọc vòng tròn-que nguyên thủy. Ở các nền văn hóa thờ mặt trời khác, mặt trời chỉ có một loại ánh sáng hình nọc que hay nọc mũi tên (mũi mác, răng cưa, răng sói) mang dương tính của thời phụ quyền ngự trị và ánh sáng mang âm tính chỉ là dạng âm hóa của ánh sáng hình nọc, trở thành ánh sáng hình cong, hình gợn sóng, hình xoắn…  Ta thấy rõ văn hóa thờ đạo mặt trời của đại tộc Đông Sơn thuộc đạo gốc Vũ Trụ giáo hãy còn chính chuyên nòng nọc, âm dương. Điểm này giống như Dịch trên trống đồng nòng nọc, âm dương Đông Sơn hai hào âm dương còn viết theo chữ viết nòng nọc vòng tròn-que trong khi Dịch Trung Hoa cả hai hào đều viết theo nọc que (hào dương nọc que liền và hào âm  nọc que đứt đoạn). Như thế Dịch Trung Hoa là Dịch muộn thời phụ quyền ngự trị, có sau thứ Dịch  nòng nọc vòng tròn-que Đông Sơn.

-Tứ tượng

 

Lưỡng nghi liên tác sinh ra bốn Nguyên Sinh Động Lực Chính gọi là tứ tượng.

Về hình dạng trống dựa theo sự phân loại của Nguyễn Xuân Quang gồm có 6 loại. Như đã thấy trống để ở đền Hùng Vương, Vĩnh Phú là trống Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang loại I, là trống Trứng Vũ Trụ. Dưới diện lưỡng cực, trống này có một khuôn mặt là trống lưỡng nghi giao hòa sinh ra bốn loại trống kế tiếp ứng với  tứ tượng. Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, bốn loại trống tứ tượng ứng với bốn tổ phụ Đế Minh, Kì Dương Vương, Lạc Long Quân,  Hùng Vương. Bốn loại trống ứng với  tứ tượng là:

-Trống hình trụ ống Nguyễn Xuân Quang loại II (NXQ.II) hay Trống Tượng Lửa Dương, Lửa Vũ Trụ, Trống Mặt Trời Lửa, Trống Thái Dương, Trống Càn, Trống Cực Dương ứng với Đế Minh. Trống moko của Nam Dương là một loại NXQ II biến thể.

-Trống hình lọng Nguyễn Xuân Quang loại III (NXQ.III): Trống Tượng Gió Dương, Trống Mặt Trời Gió, Trống Thiếu Âm, Trống Đoài vũ trụ, (Heger III) ứng với Hùng Vương Bầu Trời Gió thấy nhiều ở tộc Shan ở miền Đông Bắc Myanma.

-Trống hình cái âu Nguyễn Xuân Quang loại IV (NXQ.IV): Trống Tượng Nước Dương, Trống Mặt Trời Nước, Trống Thái Âm, Trống Chấn (Heger IV) thấy nhiều ở Nam Trung Hoa ứng với Lạc Long Quân.

-Trống Nguyễn Xuân Quang loại V (NXQ.V): Trống Tượng Đất Dương, Trống Núi Nổng, Trống Trụ Chống Trời, Trống Mặt Trời Đất, Trống Lửa Thế Gian, Trống Thiếu Dương, Trống Li, Trống Trục Thế Giới (Heger II) ứng với Kì Dương Vương, thấy nhiều ở các tộc miền núi ở Bắc Việt (ăn khớp trăm phần trăm với tộc Kẻ, Xích Quỉ của Kì Dương Vương Núi Trụ Thế Gian).

Qua sự phân bố của các loại trống ta cũng xác định đại lược được biên giới của liên bang Văn Lang. Theo truyền thuyết và cổ sử Việt nước Văn Lang  Đông giáp Nam Hải, đây là những tộc Nam Dương có trống NXQ II, tức Moko hình trụ; Tây giáp Ba Thục, Tứ Xuyên, đây là những tộc Shan có trống NXQ III, ngày nay người Shan ở vùng Đông Bắc Myanma (Miến Điện) nói tiếng Tai-Kadai (Tầy Thái) liên hệ với  Ba Thục Tứ Xuyên;  Bắc tới Động Đình Hồ, đây là những tộc Nam Trung Hoa có trống NXQ IV (mấy năm trước đây có đào được một trống Đông Sơn ở xa mãi tận Triết Giang) và Nam tới nước Hồ Tôn, đây là những tộc nối dài của vùng núi đất Bắc Việt hiện nay có trống NXQ V (ngày nay còn đào tìm được những trống đồng ở  miền Nam Việt Nam  còn xa hơn biên giới nước Hồ Tôn Chiêm Thành).

Bốn trống ứng với tứ tượng này là bốn trống ứng với Tứ Dân của Đại Tộc Việt. Bốn trống  tứ tượng này hợp lại sinh ra trống Cây Nầm Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống) Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I).

Tứ Tượng dương liên tác với tứ tượng âm sinh ra vũ trụ muôn loài gọi là Tam Thế. Tam thế có trục thông thương là Trục Thế Giới. Tam Thế và Trục Thế Giới tạo thành Cây Tam Thế (Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống) có trống biểu là trống Cây  Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I). Trống Cây Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI hay còn gọi là trống Đông Sơn vì tìm thấy nhiều nhất ở miền Bắc Việt Nam.

Như thế ta thấy rõ qua hình dạng và sự phân bố của các loại trống ta thấy được liên bang Văn Lang có trống biểu cho cả liên bang là trống Đông Sơn, trống Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống) Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I). Vùng đồng bằng sông Hồng nơi có nhiều trống Đông Sơn và có những trống Đông Sơn tinh vi nhất mang trọn ý nghĩa thuyết vũ trụ tạo sinh như trống đồng âm dương Ngọc Lũ I  là mẫu quốc, là đầu não, là trục hành chính, là đất, là nơi cai trị, cai quản toàn thể đế quốc Văn Lang. Còn tứ dân của liên bang Văn Lang ứng với tứ tượng có bốn trống biểu ứng với tứ tượng ở bốn vùng có biên giới của nước Văn Lang đúng theo truyền thuyết đã ghi. Rõ ràng trống đồng là một bộ cổ sử đồng của Đại Tộc Việt.

Về nội dung, xin đưa ra một hai ví dụ điển hình:

-Hình thái tứ tượng ở các khoảng không gian giữa các nọc tia sáng mà các tác giả hiện nay gọi nhầm là “họa tiết lông công”.

Tôi gọi đây là hình thái tứ tượng vì hình gồm có bốn chữ viết nòng nọc vòng tròn-que. Ở tâm là hình hai giọt nước có đuôi rơi từ trời xuống, trong có dấu vòng tròn chấm, theo duy dương có nghĩa là nước dương, chuyển động, nước mưa ứng với Chấn Lạc Long Quân. Chữ thứ hai hình nọc mũi tên (mũi mác, răng cưa, răng sói) có nghĩa là nọc lửa vũ trụ ứng với Càn Đế Minh. Chữ thứ ba có hình bờm gió, rèm gió có nghĩa là nọc gió ứng với Đoài Hùng Vương bầu trời. Chữ thứ tư hình núi tháp do hai chữ nọc mũi tên lồng vào nhau có đánh dấu chấm nọc là đất lửa, dương ứng với Li Kì Dương Vương.

Ta thấy rất rõ mặt trời là nọc, dương, không gian bao quanh mặt trời là nòng âm giao hòa với nhau sinh ra tứ tượng được diễn tả bắng hình thái tứ tượng ở khoảng không gian nằm giữa các nọc tia sáng.

-qua các tộc cò:

Hầu hết trên trống đồng nòng nọc của đại tộc Đông Sơn có hình cò bay. Cò là loài chim sống ở bờ nước chỉ biết lội nước, chân không có màng nên không biết bơi (“lộn cồ xuống ao” là phải kêu cứu “ông ơi ông vớt tôi vào”, nếu không sẽ chết đuối) có mang ít âm tính tức thiếu âm (trong khi loài chim nước chân có màng biết bơi như nông, ngỗng mang tính thái âm). Cò có mỏ dài mang dương tính nhưng nhỏ, thanh tao mang âm tính tức thiếu âm. Dưới dạng nhất thể cò là chim dương có mang âm tính ứng với khuôn mặt sinh tạo lưỡng hợp của Tổ Hùng Vương sinh tạo, tạo hóa. Dưới diện  tứ tượng, con cò mang tính thiếu âm, về vật thể, là nguyên thể của gió ứng với khuôn mặt bầu trời gió của các Hùng Vương thế gian, lịch sử. Nói chung con cò là chim biểu của Tổ Hùng và Hùng Vương. Trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn hầu hết có hình cò là trống biểu của Hùng Vương của Đại Tộc Việt.

 

Hiển nhiên cò trên trống đồng phải có bốn loại cò ứng với tứ tượng, với bốn khuôn mặt của bốn tổ phụ của chúng ta là Đế Minh, Kì Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương.

Cò Tượng Lửa

 

Cò Lửa là cò nọc mang nhiều dương tính, thái dương, có mỏ dài, to, khỏe ví dụ như mỏ cò trên trống đồng âm dương Đông Sơn IV trông cương cường giống bộ phận sinh dục nam đang cương cứng. Trong mỏ, tên cò được viết bằng chữ que nọc mang nghĩa cọc, dương, lửa.

 

 

 

Lưu ý cò Lửa này không có bờm. Đây là con cò Nọc lửa vũ trụ Càn Đế Minh.

 

 

Cò Tượng Đất

Cò Đất dương, Cò Núi, Cò Đá, Cò Li có mỏ được diễn tả bằng mỏ hình rìu, búa chim và có bờm hình núi tháp nhọn. Ví dụ hình cò trên trống Hà Nội I.

Đây là con cò Nọc búa, rìu đất Li Kì Dương Vương.

 

Cò Tượng Gió

Cò Gió có bờm gió như thấy trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I. Cò có bờm hình phướn gió, có mỏ được diễn tả bằng mỏ nọc dài có dương tính nhưng thanh nhã mang thêm âm tính, dương của âm là thiếu âm, về vật thể là nguyên thể của gió.


Cò Gió, Cò Lang trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I.

Đây là con cò gió, cò Lang (có một nghĩa là trắng. Mầu trong, trắng là mầu của gió), cò Đoài vũ trụ của Hùng Vương bầu trời. Hiện nay các nhà làm văn hóa lấy con cò trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I này làm logo gọi là chim Lạc, một trăm phần trăm sai (xem bài viết Chim Lạc hay Cò Lang?).

Cò Tượng Nước

Cò nước, cò mưa, cò sấm, tức cò chớp-mưa, cò lửa-nước, cò nước dương, cò Lạc, có mỏ cong mang âm tính như thấy trên trống Hàng Bún.

 

 

Cò mưa có mỏ cong âm trên trống Hàng Bún.

Hay rõ hơn trên cánh có hình sóng nước như thấy trên trống Hữu Chung.

 

Đây là những con cò Nọc nước , cò Lạc Chấn Lạc Long Quân.

 

-Tam thế

Tứ tượng dương liên tác với  tứ tượng âm sinh ra vạn vật muôn sinh vũ trụ được chia ra làm ba cõi gọi là Tam Thế: Thượng, Trung và Hạ Thế.

Cơ thể học trống đồng nòng nọc, âm dương cho thấy trống đồng nòng nọc, âm dương gồm có Tam Thế (Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á).

Tam Thế thấy rõ qua đền Tổ Hùng ở Vĩnh Phú gốm có ba tầng đền: đền Thượng, đền Trung và đền Hạ (xem bài viết Cấu Trúc Đền Hùng Vương).

-Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống)

 

Tam thế được nối liền với nhau bằng một cây trục gọi là Trục Thế Giới. Tam Thế và Trục Thế Giới tạo thành hình một cây gọi là Cây Tam Thế (Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống).

Như đã thấy sáu loại trống trong phân loại của tôi gồm có trống Vũ Trụ NXQ I hình trứng (hiện để tại đền Hùng Vương, Vĩnh Phú) sinh ra bốn loại trống ứng với  tứ tượng. Bốn loại trống tứ tượng liên tác sinh ra trống Cây Nấm Vũ Trụ NXQ VI (Heger I).

Trống đồng nòng nọc, âm dương mang trọn vẹn thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh là trống Cây Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI.

Tôi cũng khám phá ra một thứ trống minh khí hình Cây Vũ Trụ trông giống hệt chiếc đèn đá Cây Vũ Trụ hiện đang được trưng bầy tại Viện Bảo Tàng Lịch Sử ở Hà Nội.

Trên các con thuyền phán xét linh hồn ở trống đồng âm dương Ngọc Lũ I và các trống họ hàng có những trống Cây Vũ Trụ.

Núi Nghĩa Lĩnh có đền Hùng Vương Tam Thế mang hình ành Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống). Nghĩa là ơn (nghĩa), tạ ơn. Lĩnh là núi nhọn đỉnh, núi nọc, núi dương ăn khớp với Hùng Vương (lĩnh biến âm với lính, ngày xưa chỉ con trai, phái nam mới đi lính và liên hệ với Ấn ngữ linga, bộ phận sinh dục nam). Lĩnh tương đương với từ cổ Việt nổng (gò nổng) là núi hình trụ chống (nổng biến âm với nống là chống). Nghĩa Lĩnh là Núi  Trụ Chống Trời, Núi Trục Thế Giới thông thương Tam Thế là phương tiện dâng cúng lễ vật để tạ ơn tới Tam Thế của Tổ Hùng được diễn tả bằng ba đền Thượng, đền Trung và đền Hạ.

Núi Nghĩa Lĩnh và đền Tổ Hùng biểu tượng cho Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống) (xem Ý Nghĩa Cấu Trúc Đền Hùng).

5. Những Chi Tiết Chính Khác Của Hùng Vương và Đại Tộc Việt Còn Ghi Khắc Trong Sử Đồng Trên Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương.

Xin lấy một vài ví dụ điển hình là các Vật Tổ Của Đại Tộc Việt.

 

Từ một bộ lạc, một bộ tộc nhỏ cho tới một quốc gia, một liên bang đều có vật tổ, vật biểu. Hùng Vương, Đại Tộc Việt cũng vậy. Như thế vật tổ, vật biểu của chúng ta là gì? Hiển nhiên chúng phải khác của Trung Hoa. Người cổ Việt sống ở vùng rừng núi, sông biển nhiệt đới, vật tổ, vật biểu của cổ Việt phải là những loài có trong địa bàn sống của cổ Việt là sông biển rừng núi nhiệt đới Đông Nam Á và Trung Hoa không có. Cũng xin nhắc lại, thời cổ sơ, vật tổ và vật biểu là những loài có thật trong thiên nhiên, về sau thể điệu hóa, thần thoại hóa thành các linh vật. Văn hóa Trung Hoa với  tứ linh long ly qui phượng là văn hóa muộn sau này, muộn hơn văn hóa của đại tộc Đông Sơn là hậu duệ của một nền văn hóa cổ sơ, còn giữ các vật tổ dưới nguyên dạng trong thiên nhiên.

Vật Tổ ở Thượng Thế

 

Vật tổ ở cõi trên Thượng Thế là một loài chim.

 

.Chim nông

Như đã biết chim nông là chim biểu tối cao của Đại Tộc Việt mang trọn vẹn ý nghĩa Vũ Trụ Tạo Sinh. Ở hư vô là con chim nông trung tính với nghĩa nông là không. Ở thái cực là chim bổ nông nhất thể là chim đẻ ra Trứng Vũ Trụ, ở tầng lưỡng nghi là con bồ nông có một khuôn mặt thái âm, nước, chim biểu của ngành Thần Nông, vân vân… (Ca Dao Tục Ngữ Tinh Hoa Dân Việt).

Chim nông thấy rất nhiều trên trống đồng nòng nọc, âm dương như trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I, Hoàng Hạ… (Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á).

 

.Chim Việt

Theo duy dương tức về phía ngành nọc dương Viêm Đế là con chim Việt, chim Rìu tức chim Cắt (Hornbills). Viêm Đế có họ Khương (sừng) nên có các thú biểu đều có nghĩa là sừng (vật cứng nhọn mang dương tính, nọc, mặt trời). Chim biểu của Viêm Đế là con chim có mũ sừng (bony casque), tức chim cắt lớn Great Hornbill. Chim Cắt loài có mũ sừng trên mỏ là chim Việt, thấy rõ qua Anh ngữ Hornbill (Mỏ Sừng). Chim Cắt, chim Rìu, chim Việt cũng mang trọn vẹn ý nghĩa Vũ Trụ Tạo Sinh. Nhưng chúng ta thuộc Thần Nông thị và các Hùng Vương thuộc ngành nọc mặt trời nên thường thấy nhất là khuôn mặt chim Việt mang tính biểu tượng lửa ở tầng lưỡng nghi là con bổ cắt thái dương có một khuôn mặt nọc, thái dương, lửa, vân vân…

Hùng Vương là di duệ của Viêm Đế nên theo duy dương, ngành nọc Hùng Việt cũng có chim biểu là loài chim cắt. Đó là chim Lang, chim Chàng, chim Tráng (của người Mường) (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt) và là chim Mê Linh của hai Bà Trưng. Mê Linh phát gốc từ tiếng cổ Việt mling là một giống chim cắt (xem Ý Nghĩa Ngày Lễ Hai Bà Trưng). Sử ghi Hai Bà Trưng đóng đô ở Mê Linh thuộc đất châu Phong là dòng dõi Hùng Vương là vậy.

Hình bóng chim cắt có mũ sừng, chim Việt còn ghi khắc trong sử đồng thấy rất nhiều trên trống đồng nòng nọc, âm dương như trên trống đồng âm dương Duy Tiên,

và ở đuôi thuyền trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I và các trống họ hàng.

.Cò Việt

Như trên đã biết con cò mang tính nòng nọc, âm dương. Ở dạng nhất thể cò biểu tượng cho Tổ Hùng tạo hóa, sinh tạo. Ở cõi tứ tượng ứng với một đại tộc của tứ dân thì cò biểu tượng cho tượng gió, là con cò gió có bờm gió của đại tộc gió ứng với Hùng Vương bầu trời.

Trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I, vành 18 con cò bay có bờm hình phướn gió rất cách điệu và trong bờm có viết các chữ viết nòng nọc vòng tròn-que là những con Cò Gió, Cò Lang, Cò Phong Châu mà hiện nay các nhà làm văn hóa Việt gọi nhầm là Chim Lạc (xem Chim Lạc Hay Cò Lang?).

Địa danh Bạch Hạc có nghĩa là Cò Trắng của Hùng Vương cũng có nghĩa là Cò Lang (Lang có một nghĩa là trắng, mầu trắng, trong suốt là mầu gió), Cò Gió.

 

Vật Tổ ở Trung Thế

Hươu Việt

 

Vật tổ ở cõi Trung Thế là một loài thú bốn chân sống trên mặt đất. Thú biểu của Hùng Vương, Đại Tộc Việt là loài thú có nọc, sừng… tức Thú Việt.

Đất thế gian chia ra làm hai vùng: vùng đất dương, cao, khô và vùng đất thấp, âm có nước.

Ở vùng đất dương cao, khô thế gian, chúng ta có con hươu nọc, hươu Việt sừng hai mấu mang gạc. Danh từ động vật là Cervulus muntjac. Từ muntjac chính là Việt ngữ muông gạc (con thú có sừng), mang gạc (con hươu có sừng), danh từ phổ thông gọi là hươu sủa barking deer (con vật này đến mùa động đực gọi con cái, tiếng gọi giống như chó sủa vì thế dân dả gọi là hươu sủa), tiếng cổ Việt gọi hươu cọc là con Cọc (Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc).

 

Ở trên là con hươu sủa muntjac sừng hai mấu nhọn loại lớn mới tìm thấy ở Vụ Quang trước đây ở Việt Nam. Đây là loài hươu hiếm quí gần như tuyệt chủng. Bên dưới là loài hươu sủa muntjac loại nhỏ. Người cổ Việt chọn loài hươu, con Cọc có sừng hai mấu nhọn này làm vật tổ, thú biểu cho Kì Dương Vương Lộc Tục (Hượu Đục, Hươu Chàng ‘chisel’, hươu có vật nhọn, hương sừng, muông gạc. muntjac). Mã Lai ngữ gọi hươu sủa là kijang. Kijang chính là Việt ngữ Kì Dương của chúng ta. Con hươu sủa mang gạc loại nhỏ chính là con thú chủ (host) thần thoại hóa thành con nghê, còn kì (con đực trong cặp kì lân). Mang gạc muntjac chỉ có ở địa bàn Đông Nam Á không có ở vùng đất cũ tận phía Bắc của Trung Hoa nên nghê hay kì (lân) là linh thú của Kì Dương Vương của chúng ta (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt).

Tóm lại hươu sủa cervulus munjac là con muông gạc, con thú cọc, con thú Việt, thú biểu của Kì Dương Vương, vua thế gian đầu tiên của Đại Tộc Việt (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt).  Trong sử đồng của đại tộc Đông Sơn thú biểu mang gạc, hươu Cọc này còn thấy ghi khắc lại trên trống đồng nòng nọc, âm dương Phú Xuyên.

Hươu Việt trên trống Phú Xuyên.

 

Hình con mang gạc trên trống Phú Xuyên có sừng hai mấu nhọn, đang há mõm sủa, có đuôi dài của loài cáo chồn, chó sói. Đây là con mang sủa muông gạc Lộc Tục, con kijang Kì Dương con thú Việt của Đại Tộc Việt.

 

Sấu việt

 

Thú biểu vùng đất thấp, âm có nước thế gian của chúng ta là con cá sấu mõm dao gavial, danh từ động vật gọi là Tomistoma Schlegelii (tomi- là cắt, stoma miệng, tomistoma mõm cắt, mõm dao). Ta thấy gavial có gav- biến âm với gạc. Gavial là con sấu gạc, con ngạc (Hán Việt ngạc có nghĩa là con cá sấu). Đây là con cá gạc, cá ngạc, cá Lạc, cá Sấu Việt, Dao Việt, thú biểu của vùng đầm lầy Lạc Long Quân (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt).

Sấu mõm dao gavial (Tomistoma Schlegelii).

 

Trong sử đồng của đại tộc Đông Sơn thú biểu sấu dao, sấu Việt này còn thấy ghi khắc lại trên trống đồng nòng nọc, âm dương Hòa Bình.

 

 

 

 

Sấu Việt mõm dao trên trống Hòa Bình.

Lưu ý con thú có hình thằn lằn này có con mắt âm gồm hai chữ viết nòng vòng tròn. Hai nòng là hai âm, thái âm có một nghĩa là nước. Con thú bò sát loài thằn lằn sống được dưới nước có mõm nhọn như dao là con cá sấu mõm dao, thú biểu của Lạc Long Quân vùng đất âm có nước, Lạc điền của Lạc Việt.

(còn tiếp).

Leave a comment