HÀNH HƯƠNG ĐẤT PHẬT: A. YẾT KIẾN ĐỨC DALAI LAMA TẠI DHARAMSALA, ẤN ĐỘ (1).

HÀNH HƯƠNG ĐẤT PHẬT.

A. YẾT KIẾN ĐỨC DALAI LAMA TẠI DHARAMSALA, ẤN ĐỘ.

Nguyễn Xuân Quang.

(Phần 1).

Thân tặng Bác sĩ Chu Phú Chung và gia đình.

*

clip_image002

Đức Dalai Lama ban phước lành cho tác giả (người đứng phía trước là bác sĩ Chu Phú Chung, trưởng đoàn).

Từ lâu chúng tôi đã có ý định đi viếng thăm Đức Dalai Lama và ba phế tích thiêng liêng của Đức Phật chưa đi tại Ấn Độ. Khi ghé thăm Varanasi, nơi có bến Sông Hằng nổi tiếng, chúng tôi đã thăm Sarnath (Vườn Lộc Uyển), nơi Đức Phật ‘Quay Bánh Xe Pháp’ giảng giáo lý Phật giáo đầu tiên, coi như đây là nơi khai sinh ra Phật giáo (xem Ấn Độ: Vườn Nai, Nơi Sinh Phật Giáo và Bến Sông Hằng Varanasi, Một Ngày, Một Đời Người). Ba phế tích Phật thiêng liêng còn lại trong ‘Tứ Động Tâm’ là: nơi Đức Phật ra đời: Vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni) ở Nepal, nơi ngài thành đạo: Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) và nơi Phật Nhập Niết Bàn: Kusinaga (Câu Thi Na) ở Ấn Độ.

Đức Dalai Lama đã tới Nam Cali hai lần. Một lần ở Long Beach và một lần ở Chùa Điều Ngự, Little Saigon, quận Cam. Cả hai lần vì không phải là Người Rất Quan Trọng (VIP) nên chúng tôi chỉ đứng xa nhìn và nghe ngài thuyết giảng.

Như có một cơ duyên đã sắp đặt, anh bác sĩ Chu Phú Chung (Dennis A Chu) và gia đình tổ chức một cuộc hành hương thăm ba nơi còn lại mà chúng tôi chưa đi và có cả đến thăm Đức Dalai Lama. Thật đúng như ý nguyện. Chúng tôi ghi tên ngay mặc dủ ngay trước đó đã có một chuyến du lịch khác khi về chỉ cách có vài ngày.

Đi thăm được Đức Dalai Lama quả thật là một chuyện rất hiếm có.

Đi Ấn Độ lần này là lần thứ tư nên đối với chúng tôi đã quen… chân rồi.

Lần thứ nhất chúng tôi viếng thăm vùng ‘Tam Giác Vàng’: Dheli, Agra (Taj Mahal Bài Thơ Tình Yêu Bất Tử), Jaipur và có ghé thăm thêm Khajuraho (Khajuraho, Đền Karma Sutra Có Một Không Hai). Lần thứ hai trong chuyến đi du hành đại dương Oriental Explorer có ghé Goa, Kochi. Lần thứ ba: Kolkata (Calcutta), Đền Mặt Trời Konark, Đền Thờ Nường Yoni và Vòng Đai Duyên Hải Nam Ấn Độ: tiểu bang Odisha, Mũi “Cà Mâu” Ấn Độ Kanyakumari, tiểu bang Tamil Nadu, Kerala, Hang Động Phật Giáo Ajanta, Hang Động Tam Giáo Ellora, Mumbay… (xem các bài viết về những nơi này).

Ngày lên đường chúng tôi quyết định đi chung máy bay với cả nhóm cho tiện việc đón rước.

Còn một ngày nữa lên đường, một người trong đoàn báo động cho biết chuyến bay bị hủy bỏ. Phải tìm cách mua vé hãng khác vào giờ chót thật cam go. Mua xong, vài tiếng đồng hồ sau, lại khám phá ra chuyến máy bay cũ bay lại, không hủy nữa. Lại bỏ hãng mới trở vể hãng cũ. Sáng hôm sau, kiểm điểm lại cho chắc ăn. Lại khám phá ra chuyến bay từ Los Angeles đến Luân Đôn không thay đổi nhưng chuyến bay nối từ Luân Đôn tới Dheli bị hủy bỏ. Bằng mọi giá phải có máy bay ở đoạn này vì ngày hôm sau đã bay lên Dharamsala để gặp Đức Dalai Lama. Họ không chịu bảo đảm là máy bay sẽ không hủy bỏ. Bà nhà tôi dọa nếu bị hủy bỏ chúng tôi sẽ mua vé riêng đi từ Luân Đôn tới Dheli rồi hãng này phải hoàn lại tiền. Thấy vậy hãng máy bay sợ chúng tôi chọn những hãng đắt tiền nên họ tìm mọi cách mua hộ vé. Cuối cùng họ mua hãng British Airway (BA) cho chúng tôi.

Buổi chiều tại quầy vé ở phi trường, lúc lấy vé lên máy bay, nhân viên ở đây lại muốn bỏ chuyến British Aiways từ Luân Đôn đến Dheli và bắt chúng tôi phải dùng máy báy hãng của họ. Nói rằng hãng máy bay Delta Co-share với họ đã sai lầm nói là chuyến bay của họ bị hủy bỏ, thật ra vẫn bay như đã định không hề thay đổi. Bà xã tôi đưa vé máy bay đã in ở nhà ra làm chứng cớ rành rành là hãng Delta đã nói là hủy bỏ và mua vé BA cho chúng tôi. Còn chuyện lầm lẫn giữa Virgil Atlantic và Delta là chuyện của quí vị. Cuối cùng người quản lý nghe nói chúng tôi phải tới Dheli ngày mai vì sẽ đi thăm Dalai Lama ngày hôm sau. Rất may vị này đã một lần nghe Đức Dalai Lama nói chuyện nên để chúng tôi giữ vé đi theo hãng BA.

Sau hơn 20 giờ bay và hơn sáu giờ chờ ở hai phi trường chúng tôi tới Dheli.

Rất may, dù bay sau, chúng tôi bắt kịp được đoàn. Tuy vậy một số đoàn viên khác chưa tới được vì bị tung đi vòng vo khắp bốn phương trời.

Chúng tôi làm giấy tờ nhập cảnh trên máy bay nên làm xong thủ tục ngay.

Ra ngoài gặp hướng dẫn viên người Tây Tạng rất dễ thương, anh đề nghị đưa ngay chúng tôi về khách sạn nghỉ. Một vài người trong nhóm đã về khách sạn nghỉ rồi. Chúng tôi ở lại chờ cả nhóm cùng về.

Về khách sạn hy vọng ngả lưng nghỉ ngơi một chút. Khách sạn Centaur trông rất đồ sộ, uy nghi nằm trong một khu vườn cây xanh có đường riêng đi vào, có lính gác. Khách sạn nằm ngay vòng đai phi trường, song song với phi đạo. Trông có vóc dáng là một khách sạn ba, bốn sao.

Khi lên phòng thì hoàn toàn tuyệt vọng.

Chúng ta chấp nhận thiếu tiện nghi nhưng không chấp nhận thiếu vệ sinh. Tình trạng phòng ốc mốc meo, không có người ở từ lâu.

Chúng tôi xin đổi phòng. Phòng mới tốt hơn một chút. Mệt quá tôi chợp mắt ngủ được cho tới bữa ăn tối. Thức ăn ở đây tạm ăn được, ngoài các món cà ri hay có gia vị masala còn có những món cơm chiên, mì xào, rau xào… nuốt được. Đồ ngọt tráng miệng Ấn Độ có nhiều thứ ngon. Tuyệt nhiên để tránh bị ‘Deli belly’ chúng tôi sẽ không ăn rau sống và trái cây sống hay bóc sẵn trong chuyến đi này.

Đến tối không hiểu sao đã bị mất ngủ hai đêm, sau một chuyến bay dài mệt mỏi mà chỉ ngủ được vài tiếng đồng hồ đã thức dậy.

Ngồi uống ‘chai’ hương hoa Ấn Độ xem máy bay lên xuống trong sương mù lúc ban mai. Phi Trường Quốc Tế Indira Gandhi khá bận rộn. Gần như cứ mỗi một phút là có một chuyến bay lên hay xuống.

Khi trời hừng sáng, chim bay liệng đầy trời. Dheli là thành phố có nhiều chim đứng hàng thứ nhì trên thế giới. Trong vườn khách sạn có một bầy công. Công ban đêm bay lên nóc cao khách sạn ngủ.

Khu gia cư của nhân viên làm trong phi trường nằm giữa vòng rào khách sạn và vòng rào phi đạo đã nhộn nhịp ngay từ lúc tờ mờ sáng. Họ sống trong các căn chung cư cửa đã hư, mái đả hở, phải nghe tiếng phản lực cơ trong suốt 24 giờ một ngày. Mỗi dẫy chung cư có vòi nước và nhà vệ sinh chung ở đầu dẫy, mọi người chen lấn dùng … để đi làm cho kịp giờ.

Sau bữa ăn sáng chúng tôi lên đường ra phi trường lấy máy bay của hãng Spice Jet để đi lên Dharamsala, nơi Đức Dalai Lama ở.

Khi ra tới máy bay té ra là máy bay cánh quạt không phải là phản lực Jet. Hóa ra hôm nay chỉ là máy bay cánh quạt có ‘Gia Vị Phản Lực’! Spice đây chắc chắn là có cà ri và gia vị masala.

Thú thật đã lâu không đi máy bay cánh quạt nên hơi ngại. Tôi có nhiều kỷ niệm nhớ đời khi đi máy bay cánh quạt.

Một lần đi máy bay cánh quạt cổ lỗ sĩ từ thời Thế Chiến Thứ II ở Myanmar, đi từ Rangoon tới Xiêng Khoang để thăm viếng Cánh Đồng Chum, khi lên máy bay lúc khởi hành một bên cánh quạt không chậy. Hành khách được mời xuống, vào lại phòng khách uống trà ngồi chờ. Một nhân viên cơ khí xách theo một hộp đồ nghề ra sửa máy bay như sửa xe đạp. Một tiếng đồng hồ sau cánh quạt hoạt động lại. Cả một chuyến bay tôi chỉ mong sao cho máy bay đáp xuống nơi đến được an toàn. Khi về nhà nghe tin nói có một chuyến máy bay từ Ragoon tới Xiêng Khoang bị rớt. Không biết có phải chiếc máy bay đó hay không?

Cả nhóm hôm nay ngồi ở sau đuôi máy bay. Hy vọng hôm nay trời đẹp sẽ không có ai bị nôn mửa.

May mắn hôm nay trời trong mây tạnh. Chiếc máy bay như một con diều sắt liệng, lướt trên cánh gió. Bay rất thấp thấy rõ cảnh bên dưới. Gần tới nơi thấy những dẫy núi sắc nhọn như những lưỡi dao trông giống như cái vây sừng nhọn sắc của một loài khủng long. Một con sông lớn bây giờ đang khô cạn nhưng bề rộng của lòng sông cho biết ở đây có rất nhiều mưa và có lũ rất lớn.

clip_image004

Dòng sông cạn nước.

Những ruộng lúa nước, lúa mì hay rau quả xanh tươi hai bên bờ…

Dharamshala hay Dharamsala ở tiểu bang Himachal Pradesh (Hima- chữ đầu của Himalaya), ở cao độ 1.457 m (4.780 ft), dân số 62,596 (2015). Dharamsala là thủ đô mùa đông của tiểu bang Himachal Pradesh. Dharamshala có gốc Phạn ngữ dharma (धर्म) và shālā (शाला) có nghĩa đen là”House or place of Dharma”. Theo nghĩa thông dụng chỉ nơi trú ẩn hay nghỉ chân cho các đoàn hành hương. Từ lâu Dharamsala đã là nơi nối kết giữa Ấn giáo và Phật giáo, nhiều tu viện đã thành lập ở đây trong quá khứ bởi các di dân Tây Tạng vào thế kỷ 19. Vì vậy tỉnh Dharamsala lấy tên theo một chỗ nghỉ chân của người hành hương tại đây.

Dharamsala có biệt danh là Dhasa.

Thành phố chia ra làm hai phần: Dharamsala Hạ gồm khu phố chợ Kotwali Bazaar và khu Thượng cao hơn trên núi là khu McLeod Ganj. Hai khu nối với nhau bằng con đường đèo, dốc, hẹp chỉ có taxis và xe du lịch nhỏ đi lên được.

Vì vậy khi tới phi trường Kangra chúng tôi được dùng xe sedan nhỏ bốn người một xe thay vì đi chung một xe bus lên Dharamsala Thượng.

Xe cộ chạy ngổn ngang, lung tung đủ mọi chiều theo ý người lái xe. Đường dốc núi đèo hẹp sát bên vực thẳm, không có vách rào cản mà người lái qua mặt nhau vùn vụt…

Ngang lưng đèo có nơi trải dài các nương trà trông như bậc thang làm gợi nhớ tới những nương chè Bảo Lộc gần Dalat.

clip_image006

Nương trà (ảnh của tác giả).

Trà được biết dưới tên là trà Dharamsala hay trà Kangra (tên thung lũng) nổi tiếng khắp Ấn Độ và thế giới. Nguyên thủy nổi tiếng là trà xanh có nồng độ anti-oxidant cao nhưng ngày nay làm đủ loại trà: trà xanh, trà đen, trà ô long và trà trắng (đọt trà còn bọc bởi màng trắng), thêm vào đó có trà Kashmiri Kahwa và Masala Chai.

Khi lên cao, rừng bách hương (deodar cedar), sồi (oak) Himalaya và các loại hoa đỗ quyên (Azeleas) xuất hiện cho biết là đã tới vùng McLeod Ganj hay Dharamsala Thượng.

McLeod Ganj bây giờ nổi tiếng thế giới vì là chỗ ở của Đức Dalai Lama.

Như đã nói ở trên vì nơi đây có nhiều di dân và tu viện Tây Tạng từ thế kỷ 19 nên năm 1959 khi Đức Dalai Lama đào thoát khỏi Lhasa ngài được đưa tới vùng này. Thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ là Jawaharlal Nehru cho phép Đức Dalai Lama và đoàn tùy tùng định cư tại McLeod Ganj, ở một địa điểm pinic mùa hè của thuộc địa Anh đã bỏ hoang.

Tại đây ngày 29 tháng 4 năm 1959, Đức Dalai Lama thứ 14 Tenzin Gyatso thành lập “Chính Phủ Lưu Vong” và xây Tu Viện Namgyal năm 1960 (Tu Viện này làm phỏng theo tu viện cùng tên ở Tibet. Tu viện có hai phần vụ: một lo việc quốc vụ và một việc Phật vụ). Tháng 5-1960 Trung Tâm Hành Chánh Tây Tạng (Central Tibetan Administration) rời về Dharamshala tạo thành thế giới lưu vong Tây Tạng ở Ấn Độ.

clip_image008

Central Tibetan Administration, Gangchen Kyisho (ảnh của tác giả).

Tiếp theo sau cuộc nổi dậy Tây Tạng 1959 có nhiều đợt người tỵ nạn Tây Tạng theo Đức Dalai Lama tới đây.

Sau đó Đức Dalai Lama mở Thư Viện Tác Phẩm và Văn Khố Tây Tạng (Library of Tibetan Works and Archives) chứa hơn 80.000 thủ ký (manuscripts) và các nguồn quan trọng liên hệ tới lịch sử, chính trị và văn hóa Tây Tạng. Đây là một viện quan trọng nhất về Tây Tạng Học trên thế giới.

Chúng tôi ngụ tại Pride Surya Mountain Resort.

clip_image010

So với khách sạn ở Dehli thì quả là một trời một vực. Khách sạn 4 sao nhìn thấy toàn cảnh Dharamsala, ở ngay phố lớn. Phòng chúng tôi nhìn xuống thung lũng của rặng núi Dhauladhar hùng vĩ dầy đặc rừng thông, bách làm gợi nhớ tới Dalat.

Giữa mầu của cây xanh rừng nổi bật các chòm nhà mái xanh lam, mái đỏ. Không biết có phải là những ngôi chùa Tây Tạng hay nơi Đức Dalai Lama ở. Ngay ở dưới là con đường chính san sát các cửa hàng và sạp hàng bán kỷ vật cho du khách.

Thăm Đền Đức Dalai Lama (Dalai Lama Temple hay Tsuglagkhang hoặc Tsuglag Khang Temple).

Ăn trưa xong, nghỉ ngơi được một chút, bốn giờ chiều đi thăm ngay ngôi đền của Đức Dalai Lama. Đền cách khách sạn không xa. Đi dọc theo phố núi san sát hàng quán rất vui mắt chỉ 15 phút đi bộ là tới nơi.

clip_image012
clip_image014
Cổng vào quần thể Đền Thekchen Choeling trong đó có Đền Đức Dalai Lama (ảnh của tác giả).
Tạng ngữ Thekchen có nghĩa là tên một bé trai (giống như Việt Nam gọi là Thằng Cu, Thằng Cún), Choeling: Choe-: dharma, ling: place. Thekchen Choeling nghĩa là
‘Great Mahayana Dharma Temple’ ‘Đền Đại Pháp Đại Thừa’. Thực hành và giáo huấn của đền này có từ dòng Guru Rinpoche và Lama Tsongkapa.

Quần thể Đền Thekchen Choeling có tư thất của Đức Dalai Lama, Tu Viện Namgyal và Đền Tsuglakhang (Đền Đức Dalai Lama).

Tên thông dụng gọi là Đền Đức Dalai Lama vì đền ở trong khu nhà ở của Đức Dalai Lama và Ngài thường đến đây thuyết giảng.

Qua cổng, leo dốc chừng vài chục mét, bên phải là Institute of Buddhist Dialectics (Học Viện Biện Chứng Phật Giáo).
clip_image016

Học Viện Biện Chứng Phật Giáo (ảnh của tác giả).

Đậy là học viện cao học nghiên cứu, tranh biện về triết lý Phật giáo. Ngoài ra sinh viên phải học thêm ngôn ngữ, văn chương, tín ngưỡng, lịch sử chính trị Tây Tạng. Có thể học thêm Anh và Hoa ngữ. Có thể lấy bằng BA, MA. Ph. D, các bằng này được Hoa Kỳ và Âu Châu thừa nhận.

Đi thêm chút nữa là quán sách Phật giáo.

Tới nữa là Đài Tưởng Niệm Thánh Tử Đạo Quốc Gia Tây Tạng (Tibetan National Martyrs’ Memorial).

clip_image018

Đài Tưởng Niệm Thánh Tử Đạo Quốc Gia Tây Tạng.

Qua Trạm Kiểm Soát An Ninh đi lên tới một sân rộng có bạt che, phân đôi một bên là quần thể đền, phòng hội, tu xá, văn phòng làm việc…

clip_image020

Khu đền, điện, tu xá và công sở.

và bên kia là khu cư xá của Đức Dalai Lama.

clip_image022

Khu nhà ở của Đức Dalai Lama.

Sáng mai đoàn sẽ yết kiến Đức Dalai Lama tại đây.

Tất cả nằm trên sườn núi nhìn xuống thấy toàn cảnh Dharamsala, McLeod Ganj và Himalayas.

Thật giản dị, đơn sơ không ngờ. Ở đây không thấy các trang trí, cờ quạt rực rỡ của Phật giáo Tây Tạng nhiều. Thật thanh tịnh, thanh thoát. Mục đích Đức Dalai Lama chỉ muốn có một nơi cầu nguyện cho người tỵ nạn Tây Tạng và đất nước Tây Tạng.

Sân là nơi tụ tập, tổ chức lễ hội.

Nơi đây cũng là nhà của Central Tibetan Administration của Chính Phủ Lưu Vong Tây Tạng. Ngay bên ngoài là bảo tàng viện về tội đồ của Trung Cộng ở Tây Tạng.

Đi thẳng tới hết sân, ra ngoài nhìn xuống rừng bách hương.

clip_image024

Theo Phật giáo nghiêng về phía Vũ của Vũ Trụ Giáo phải đi lên cầu thang bên trái của phức thể đền, theo cùng chiều kim đồng hồ tức chiều âm để đến Đền Đức Dalai Lama, nơi thiêng liêng và đẹp nhất.
Cũng xin nhắc là một khi bước vào một Đền Phật giáo Tây Tạng ta sẽ thấy, sẽ tìm những gì?

Thường thì ta phải tìm: 1. tượng Phật, xem loại Phật nào qua thủ ấn, 2. tượng Bồ Tát Avalokiteshvara Nam, tiền thân của các Đức Dalai Lama, 3. tượng Nữ Thần Tara, một khuôn mặt nữ của Avalokiteshvara tương đương với Phật Bà, 4. tượng Padmasambhava, sư tổ Guru Rinpoche của Kim Cương Thừa Tây Tạng. Rồi đến các tranh tường, tranh cuộn thangkas diễn tả mandala vũ trụ, thế gian, nhân gian, các triết lý, truyền thuyết, truyện truyền kỳ Phật giáo Đại Thừa và Mật Tông Tây Tạng…

Khi bước qua cửa, cũng vẫn giữ đi sát tường bên trái. Một tu sĩ ngồi sau cửa canh chừng và chỉ dẫn.

Cả vách tường bên trái là Chính Điện.

clip_image026

Hình Phật Thích Ca thành đạo với thủ ấn chạm đất (để minh chứng) (thường nói theo Hán Việt là ‘thủ ấn xúc địa’: ‘sờ đất’) (có thể hiểu lầm là ‘xúc đất’): Bhumisparsha mudra (Bhu- = Việt ngữ Phù, núi như Phù Ninh, Phù Mỹ, Phù Cát …, theo b = m, Bhu- = mô: mô đất). Phật ngồi giữa những tranh tường diễn tả lịch sử, truyền thuyết, triết lý Phật giáo Đại Thừa, Mật Tông và mandalas.

Tượng thứ hai là Avalokitesvara (một khuôn mặt Quán Thế Âm Bồ Tát). Như đã biết các Dalai Lama được coi là hiện thân của Bồ Tát Avalokitesvara. Vị Bồ Tát này lưỡng phái. Trong Phật giáo Tây Tạng, Avalokitesvara có khuôn mặt nam. Trong khi ở Trung Hoa, Việt Nam, Nhật, Đại Hàn Ngài có khuôn mặt nữ. James Churchward có in lại hình tượng giống một vị Bồ Tát lưỡng phái nam nữ đào được dưới thành Karakhota, cố đô Uighur, ở sa mạc Gobi. Đây có thể là hình ảnh của Bồ Tát Avalokitesvara lưỡng tính.

clip_image027

Tượng Bồ tát lưỡng phái nam nữ đào được dưới thành Karakhota, cố đô Uighur, ở sa mạc Gobi (James Churchward, The Symbols of Mu).

Cũng vì thế ta thấy Điện Potala có Po-ta chuyển âm qua Hán Việt thành Bồ Đà, Phổ Đà.

clip_image028

Điện Potala, Lhasa, Tibet.

Potala là Bồ Đà Lạc Ca. Ở Trung Hoa, một hòn núi trên một đảo nhỏ gần Hàng Châu tỉnh Triết Giang được gọi là Phổ Đà Sơn. Tục truyền rằng có một Đại sư Nhật Bản thỉnh một tượng đồng Quán Thế Âm Bồ Tát mang về Nhật, khi đi qua đảo này bị sóng to gió lớn không đi được nữa. Đại sư ở lại đảo lập chùa thờ tượng và đặt tên là Bất Kháng Khứ Quán Thế Âm Đường (Chùa Bồ Tát Quán Thế Âm Không Chịu Đi). Từ đó Phổ Đà Sơn được xem là thánh địa của Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát vì Ngài đã chọn ở lại đó.

Tại Việt Nam cũng có Núi Chùa Cao gọi là Phổ Đà Sơn nằm trong dẫy núi từ Miếu Môn đến Hương Sơn, nơi đây có chùa Cao thờ Quán Thế Âm Bồ Tát sau khi thấy ngài ứng hiện tại đây.

Tượng Avalokitesvara ở đây cũng có ngàn tay.

clip_image030

Tượng thứ ba là Nữ Thần Tara Xanh. Phạn ngữ Tara là định tinh (sao, hành tinh đứng một chỗ) (Việt Nam có sao Tua Rua). Trong Phật giáo Tây Tạng Tara là khuôn mặt nữ của Quán Thế Âm Bồ Tát Avalokitesvara tương đương với Phật Bà Việt Nam.

clip_image032

Tara Xanh (ảnh của Michelle Nguyễn).

Thứ tư là Padmasambhava (“Sinh ra từ một Hoa Sen” nên thường đội mũ hoa sen), cũng có tên là Guru Rinpoche (Precious Guru)] từ Ấn Độ tới Tây Tạng truyền dậy Kim Cương Thừa, là một sư tổ Kim Cương Thừa của Phật giáo Mật Tông.

clip_image034

Phía sau đầu Đức Đức Dalai Lama, hình tượng đầu đội mũ hoa sen là Padmasambhava, Guru Rinpoche.

….

Khắp tường trong đền treo các tranh cuộn thangkas.

Trước chính điện là tòa thuyết pháp có chiếc ngai của Đức Đức Dalai Lama.

clip_image036

Chỗ ngồi thuyết pháp của Đức Đức Dalai Lama (ảnh của tác giả).

Trước tòa giảng là giảng đường.

clip_image038

Giảng đường của tu sĩ (ảnh của tác giả).

Ở một phòng kế bên có một tượng đồng Thích Ca lớn.

clip_image040

(ảnh của Michelle Nguyễn).

Bên ngoải ở một góc có các điện, đài hình tháp chorten Tây Tạng,

clip_image042

Điện, đài hình tháp chorten Tây Tạng (ảnh của tác giả).

Phòng thắp nến cầu nguyện.

clip_image044

Nơi thắp nến cầu nguyện (ảnh của tác giả).

Lên lầu cao của đền ta có thể thấy toàn cảnh Dharamsala và thấy cả Himalaya.

Trong quần thể đền này còn nhiều đền khác nữa cũng đáng viếng thăm như Đền Kalachakra Bánh Xe Thời Gian…

……

Phải trở về dùng cơm tối lúc 6 giờ sau đó có buổi họp cho buổi yết kiến Đức Dalai Lama sáng mai.

Khi ra về nếu thấy cầu nguyện, cầu xin chưa đủ, đừng quên quay những bánh xe cầu nguyện Mani. Nên nhớ phải quay theo chiều âm cùng chiều kim đồng hồ của Phật giáo.

clip_image046

Bánh xe cầu nguyện Mani có chứa hàng ngàn câu mật chú Avalokiteshvara ‘Om Mani Padme Hum’(Úm ma ni bát ni hồng hay Án ma ni bát mê hồng). Quay bánh xe một lần là đọc hàng ngàn câu mật chú bên trong.

Ở Dharamsala có rất nhiều đền chùa Tây Tạng nhưng thiêng liêng, thanh tịnh nhất là Đển Đức Dalai Lama này, nơi ngài thường thuyết pháp và cũng là nơi có tư thất của ngài. Đến Dharamsala không thể không tới đây.

Sương mờ đã xuống dưới thung lũng. Đường phố đã lên đèn,

clip_image048

Các tu sĩ Tây Tạng đi dạo phố đêm (ảnh của tác giả).

Ngày mai là ngày trông chờ. Bẩy giờ rưỡi sáng khởi hành đi từ khách sạn và 10 giờ gặp Đức Dalai Lama.

(còn tiếp).

4 comments

  1. Chu Phu Chung · · Reply

    Bai viet cua BS Quang rat la chi tiet, chinh xac, rat hay. Xin chuc mung anh Quang (Congratulations)

    Chu Phu Chung, M.D.,

    1. Quang Nguyen · · Reply

      Cám ơn Bác sĩ Chung rất nhiều. Chúc an bình. Mong gặp lại.
      Nguyễn Xuân Quang.

  2. Binh Nguyen · · Reply

    Thật tuyệt vời. Cây bút Nguyễn Xuân Quang thật linh động và sâu sắc. Càng đọc càng say mê.
    Hy vọng sẽ được đọc các bài hấp dẫn tiếp theo của B.S Nguyễn Xuân Quang.
    Tình thân
    GĐ Nguyễn Thái Bình

  3. Binh Nguyen · · Reply

    Thật tuyệt vời. Cây bút Nguyễn Xuân Quang thật linh động và sâu sắc. Càng đọc càng say mê.
    Hy vọng sẽ được đọc các bài hấp dẫn tiếp theo của B.S Nguyễn Xuân Quang.
    Tình thân
    GĐ Nguyễn Thái Bình

Leave a comment