TẢN MẠN VĂN HỌC VỀ TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN (phần 1).

TẢN MẠN VĂN HỌC VỀ TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN

NHÃ LAN – NGUYỄN XUÂN QUANG.

(phần 1).

Lời Tác Giả

Blog kỳ này đăng trễ một ngày vì tác giả lên Núi Tuyết (Sierra Nevada) trốn ‘làn sóng nóng’ (heat wave) của Mùa Hè Da Đỏ (Indian Summer) vào cuôi tháng 8 đầu tháng 9 ở Quận Cam.

Sau đây là bài tóm lược chương trình 1 Tản Mạn Văn Học do Nhã Lan phụ trách trên Radio và TV Hồn Việt. Buổi nói chuyện này phát thanh vào sáng hôm nay thứ 7 ngày 03 tháng 9-2022 vào lúc 8:30 AM trên làn sóng Radio 1480 am và phát hình trên TV Hồn Việt lúc 9:30 PM ngày 02 tháng 9 và sẽ phát lại vài lần trong các tuần lễ kế tiếp.

*

*Nhã Lan.

Kính thưa Quý Khán Thính Giả của Hồn Việt TV, Chương Trình Tản Mạn Văn Học do Nhã Lan phụ trách trước đây với Nhà Văn Nguyễn Mạnh Trinh phối hợp thực hiện đến nay đã hơn 10 năm, nhưng quả thật chưa bao giờ Nhã Lan cảm thấy băn khoăn như với chương trình hôm nay cùng Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang, người dày công nghiên cứu hơn 30 năm về trống đồng Đông Sơn, một quốc bảo của Dân Tộc Việt Nam – Một đề tài quá mới lạ về một chủ đề, một báu vật mà bản thân Nhã Lan hết sức kinh ngạc lẫn bối rối để tìm hiểu mà quả thật chỉ biết được, hiểu được một phần rất nhỏ. Buổi nói chuyện nầy chỉ mong là có cơ hội để Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang soi rọi bức màn bí ẩn bao phủ trên Trống Đồng Đông Sơn – Một cổ vật vô giá của Dân Tộc Việt đã kiến tạo nên cách chúng ta hằng nghìn năm trước đây.

Kính chào Bác Sĩ nguyễn Xuân Quang.

* HỎI

Trước khi đi vào chủ điểm của câu chuyện hôm nay, Nhã Lan mời ông trình bày những nét tổng quát để Khán Thính Giả biết được từ đâu? Vì sao? Khi nào khiến đang là một Bác Sĩ Y Khoa chuyên về ngành Thận ông lại dồn hết năng lực vật chất, tinh thần để nghiên cứu Trống Đồng từ hơn 30 năm qua.

* ĐÁP.

Bắt đầu khi còn ở tiểu và trung học đã tôi đã thắc mắc và không bằng lòng về các bài học về truyền thuyết và cổ sử Việt, về văn hóa Việt Nam. Lớn lên tôi là một người Việt sống dật dờ không rõ mình là ai? Việt là gì? Văn hóa Tiên Rồng có thật hay do các nhà Nho bịa đặt ra?

Khi rời Việt Nam, mất quê hương thúc đẩy tôi bắt đầu đi tìm cái căn cước đích thật của người Việt, đi tìm cái bản sắc, sắc thái thật sự của văn hóa Việt.

Tìm ở đâu khả dĩ có thể tin được?

Dựa vào sử sách ư? Sử sách như đã biết không thể tin được 100% . Vì sử sách căn cứ vào sách vở Tầu, vì mỗi người viết sử theo quan điểm riêng của họ. Do đó tôi đã viết quyển Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt để minh chứng, đào tìm, sửa sai lại.

-Vào sử miệng: văn chương truyền khẩu, ca dao tục ngữ ư?

Sử miệng cũng không thể tin được 100%.

Tôi viết tác phẩm Ca Dao Tục Ngữ Tinh Hoa Dân Việt đi đào tìm cái tinh hoa thật sự của Dân Việt.

-Vào ngôn ngữ Việt.

Tôi viết tác phẩm Tiếng Việt Huyền Diệu đi tìm cái căn cội huyền diệu của tiếng Việt.

Nhưng sử miệng, sử sách, ngôn ngữ học không minh chứng, không xác quyết được sắc thái, căn cước Việt hoàn toàn.

-Cuối cùng tôi tìm vào Sử đồng, vào khảo cổ học. Trống Đồng của đại tộc Đông Sơn là bộ sử đồng của Việt Nam trong Bách Việt. Sử đồng là hiện vật thấy được tận mắt, sờ thấy được tận tay cái căn cước Việt. Căn cước Việt đã được khắc ghi lại từ cách đây trên dưới 3.000 năm và được chôn vùi sâu dưới lòng đất không hề bị sửa đổi, không hề bị ảnh hưởng của các nền văn hóa ngoại lại khác. Sử đồng Việt Đông Sơn thuần Việt, tinh ròng Việt có độ khả tín cao.

*HỎI

Trong bộ sách 7 tập, tổng cộng 7 cuốn suýt soát 3000 trang Font chữ 10; mà hai tập đầu ông tập trung vào chủ điểm: Giải Đọc Tổng Quát Về Trống Đồng Nòng Nọc (Âm Dương). Do thời lượng có hạn, buổi nói chuyện nầy cũng chỉ tập trung vào vấn đề chính của 2 trong 7 tập sách kia. Nhã Lan trước tiên xin hỏi ông những điều cụ thể: Trống Đồng là gì? Do ai kiến tạo nên? Trống có chức năng để làm gì?

* ĐÁP

Trống Đồng là gì?

Trống thuộc bộ gõ trong âm nhạc. Đồng là một thứ kim loại.

-Trống có chức năng gì?

Trống đồng Đông Sơn là:

. Trống thiêng liêng, trống thờ, trống mang tính biểu tượng, không phải là trống làm ra có mục đích chính dùng làm bộ gõ trong âm nhạc.

.Trống Đông Sơn là một loại trống đặc biệt mang tính nhị nguyên nòng nọc (âm dương).

+Về hình thể: mặt kín dương. Mặt đáy hở âm.

+Nội dung: mặt trời dương nằm trong vòng không gian âm.

+Mặt trời cũng có mặt trời dương và mặt trời âm.

+Ánh sáng cũng vậy…

+Tất cả các chi tiết trên trống đồng cũng mang tính nòng nọc (âm dương)…

Tôi đã tìm ra 100 yếu tố nòng nọc (âm dương) trên trống đồng.

Trống đồng nòng nọc (âm dương) là trống nõ nường:

Các trống tối cổ hay còn giữ dạng cổ có hình nõ dương vật có mặt đáy tròn hở là lỗ âm hộ:

clip_image002

Các trống có hình nõ dương vật (nguồn: Gillet II).

Trống dương, nõ lật ngược lên thành cối, cồng, vật đựng mang âm tính nường.

Trống đồng Đông Sơn là trống nõ nường. Trong văn hóa nhị nguyên Việt Nam ngày nay trống thường cũng có một khuôn mặt nõ nường.

Theo duy dương trống biến âm với trông, chông, cọc nhọn là nhọn và theo duy âm trống biến âm với tròng, nòng, nường. Trống có một khuôn mặt nường thấy rõ qua câu ‘đánh trống bỏi’, ‘mang bụng trống’, ‘vác trống’. Và thấy rõ hơn qua bài thơ Vịnh Trống Thủng của Hồ Xuân Hương: ‘Của em bưng bít vẫn bùi ngùi. Nó thủng vì chưng kẻ nặng dùi’… đã được họa sĩ Bùi Xuân Phái minh họa.

clip_image004

Nòng nọc (âm dương) có ý nghĩa gì?

Nòng nọc (âm dương) là nguyên lý nhị nguyên căn bản của vũ trụ tạo sinh, vũ trụ giáo, dịch học.

Như vậy nhìn chung về vũ trụ quan trống đồng Đông Sơn biểu tượng vũ trụ giáo diễn đạt vũ trụ tạo sinh, Dịch học dựa trên nguyên lý nhị nguyên căn bản nòng nọc (âm dương). Nhìn riêng theo duy dương, ngành mặt trời vì trống có một khuôn mặt chủ là trống (đực: gà trống), dương, thì trống đồng là trống biểu tượng của mặt trời tạo hóa nhị nguyên thái dương.

Nhìn theo truyền thuyết và cổ sử Việt, trống đồng nòng nọc Đông Sơn là trống biểu của Hùng Vương, của Người Việt Mặt Trời Thái Dương theo văn hóa nhị nguyên Chim-Rắn, Tiên Rồng.

-Do ai làm ra?

Trống đồng là một hiện vật do con người làm ra. Vậy chủ nhân ông của trống là một đại tộc có vũ trụ quan là vũ trụ tạo sinh theo vũ trụ giáo, mặt trời giáo. Đó là ai?

Ta đã biết Người Việt là Người Mặt Trời Thái Dương (tôi đã tìm ra Trên 100 Bằng Chứng Người Việt là Người Mặt Trời) theo vũ trụ tạo sinh, vũ trụ giáo, mặt trời giáo dựa trên nguyên lý nhị nguyên căn bản nòng nọc (âm dương) Chim-Rắn, Tiên Rồng. Tổ Hùng Lang sinh ra từ Bọc Trứng Chim có một khuôn mặt là mặt trời tạo hóa nhị nguyên phân ra hai ngành.

Như thế Người Việt là chủ nhân ông của trống đồng Đông Sơn.

Vì vậy trống đồng được cho là làm ra vào thời đại Hùng Vương.

Mỗi tộc người, mỗi bang người Việt trong liên bang Văn Lang có ít nhất một trống biểu riêng. Do đó mới có cả trăm trống khác nhau.

Ý Nghĩa và Chức Năng Trống Đồng Đông Sơn

Nguyên thủy trống đồng nòng nọc Đông Sơn là:

-trống thiêng liêng, trống thờ phượng.

-trống biểu tín ngưỡng.

-trống biểu tượng cho tộc người.

-bộ sách đồng về văn hóa, sử đồng, dịch đồng Việt và về lịch đồng, thiên văn học…

Tuyệt nhiên khởi thủy trống không phải là trống làm ra dùng trong âm nhạc. Điểm này thấy rõ qua:

-thành phần cấu tạo của trống có nhiều chì nên tiếng rất đục.

-trống minh khí rất nhỏ, chỉ to bằng ngón tay.

-tục giết trống đồng.

Xuôi dòng thời gian trống đồng theo đà tiến hóa của con người, khi bước vào xã hội nông nghiệp trồng lúa nước, trống đồng mất dần ý nghĩa biểu tượng thiêng liêng mà từ từ trở thành trống mang tính duy tục, trống cầu mưa, trống ếch vì nhu cầu nồi cơm, vị bao tử. Những trống ếch là trống muộn sau này thấy nhiều ở các tộc con đã mất gốc hay ở các tộc ngoại lai trồng lúa nước chỉ bị ảnh hưởng ‘lúa gạo’ của văn hóa Đông Sơn.

Và gần đây trống Đông Sơn trở thành biểu tượng trống trận, uy quyền, tài vật.

Và bây giờ trở thành thú chơi đồ cổ và dùng trong âm nhạc liên hoan nhẩy múa thấy nhiều trong văn hóa du lịch.

* HỎI

Trống Đồng Đông Sơn/Trống Biểu Của Hùng Vương/Vua Mặt Trời Biểu Trưng Duy Nhất/Cụ Thể Nhất/Là Bộ Cổ Sử Đồng Việt Nam. Điều gì khiến ông có xác quyết như vậy?

* ĐÁP

-Trống Đông Sơn là Bộ Sử Đồng Việt Nam. Dựa vào đâu tôi xác quyết như vậy?

Như đã biết chúng ta là Người Việt Mặt Trời Thái Dương, Hùng Vương là Vua Mặt Trời hậu duệ của Hùng Lang sinh ra từ bọc trứng chim. Trứng mang tính sinh tạo, nhị nguyên (tròng đỏ dương tròng trắng âm), chim theo duy dương (con trai, lang) mang tính dương, lửa mặt trời. Hùng Lang mặt trời mang tính nhị nguyên chia ra làm hai ngành: ngành Lửa Chim Tiên Mẹ Âu Cơ và ngành Nước Rắn Cha Lạc Long Quân. Như thế Hùng Vương mặt trời cũng vậy.

So sánh với trống đồng nòng nọc (âm dương) là trống biểu của mặt trời mang tính nhị nguyên. Rõ như ban ngày trống đồng nòng nọc (âm dương) của đại tộc Đông Sơn là trống biểu của Hùng Vương được làm ra vào thời Hùng Vương.

Liên Bang Văn Lang Hùng Vương là Liên Bang Bách Việt có tới cả trăm tiểu bang. Trống đồng Đông Sơn có cả trăm trống khác nhau. Tôi đã tìm ra mỗi trống đồng là một trống biểu của họ, ngành, nhánh, đại tộc Việt trong Liên Bang Văn Lang Bách Việt.

Xin đưa ra một vài ví dụ: trống dương thái dương Càn Ngọc Lũ I là trống biểu tượng của ngành Lửa Hồng Việt, trống dương thái âm Chấn Hoàng Hạ là trống biểu tượng ngành Nước Lạc Việt.

Trống Càn Khôn Đông Sơn IV là trống biểu của Đế Minh/Minh Việt. Trống Li Khảm Làng Vạc II là trống biểu của Kì Dương Vương/ Kì Việt. Trống Chấn Cấn Mèo Vạc III là trống biểu của Lạc Long Quân Lạc Việt. Trống Khôn Càn Việt Khê là trống biểu của Lang Vương/Lang Việt.

Ngoài ra còn có các trống biểu chỉ diễn đạt theo tộc người hay vật tổ (xem Chương II: Trống Đồng Đông Sơn Trống Biểu Hùng Sử Việt tập V).

* HỎI

Ông còn đặt tên là trống Nguyễn Xuân Quang I, II, III, IV, V và VI. Như vậy nghĩa là gì?

*ĐÁP

Hiện nay các nhà khảo cổ học Việt Nam và thế giới dùng cách phân loại trống đồng Đông Sơn của Heger dựa theo hình dạng của trống gồm 4 loại Heger I, II, III, IV. Sự phân loại theo hình dạng này của Heger không nói lên một ý nghĩa, chức vụ gì của trống.

Tôi dựa vào ý nghĩa, chức vụ của trống theo vũ trụ tạo sinh, vũ trụ giáo và dịch học chia trống ra làm 6 loại (số 6 theo dịch là số thành, số hoàn thành, hoàn tất của chu kỳ vũ trụ tạo sinh. Số 6 = 2 lưỡng nghi + 4 tứ tượng). Chu trình vũ trụ tạo sinh hoàn thành sinh ra vũ trụ, thế giới chia ra tam thế, biểu tượng bằng cây vũ trụ (cây tam thế, cây đời sống). Sáu loại trống của tôi là:

-Trống Trứng Tạo Hóa Nguyễn Xuân Quang I (không có trong phân loại Heger).

-Trống Trụ Ống Tượng Lửa Thái Dương Càn Nguyễn Xuân Quang II (không có trong phân loại Heger).

-Trống Lọng Ống Tượng Gió Thiếu Âm Đoài Nguyễn Xuân Quang III (Heger III).

-Trống Nồi Úp Tượng Nước Thái Âm Chấn Nguyễn Xuân Quang IV (Heger IV).

-Trống Nón Cụt Tượng Đất Dương, Núi Thiếu Dương Li Nguyễn Xuân Quang V (Heger II).

-Trống Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I).

Theo chu kỳ vũ trụ tạo sinh trống Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I) lại quay trở về trống trứng Tạo Hóa Nguyễn Xuân Quang I [trống Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I) sinh ra bào tử, mầm sinh tạo (tương đương với quả của cây vũ trụ, với trứng sinh tạo) lại sinh ra trống Trứng Tạo Hóa Nguyễn Xuân Quang I . Vòng sinh tạo, chu kỳ vũ trụ tạo sinh tiếp diễn vô cùng tận].

Sự phân loại của tôi mỗi khi nói đến tên loại trống nào là biết ngay hình dạng, ý nghĩa và chức vụ của trống. Ví dụ trống Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I) là loại trống có hình cây nấm (một loại cây vũ trụ, cây tam thế, cây đời sống) mang trọn vẹn ý nghĩa vũ trụ tạo sinh gồm tam thế và nấm lại sinh ra bào tử sinh tạo ra nấm. Nghĩa là trống Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I) lại sinh ra trống bào tử là trống trứng Tạo Hóa Nguyễn Xuân Quang I. Rồi tiếp diễn là trống Trứng (bào tử nấm) Tạo Hóa Nguyễn Xuân Quang I mọc thành cây nấm trống Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I). Sáu loại trống Nguyễn Xuân Quang diễn đạt chu kỳ vũ trụ tạo sinh tiếp diễn vô cùng tận.

* HỎI

Tại sao danh xưng Đông Sơn là một danh xưng chủ đạo, chung nhất.

* ĐÁP.

-Một nền văn hóa đồ đồng mang tính đặc thù trong đó có trống đồng được tìm thấy đầu tiên ở làng Đông Sơn Thanh Hóa. Nên một nhà khảo cổ học người Pháp gọi đó là đồ đồng Đông Sơn.

Trống đồng Đông Sơn hiển nhiên thuộc văn hóa dồ đồng Đông Sơn nhưng tên trống đồng Đông Sơn còn dùng để chỉ một loại trống đặc biệt nhất tìm thấy nhiều nhất ở lưu vực sông Hồng, là loại trống có vóc dáng cân bằng, đẹp nhất, nội dung phong phú nhất, kỹ thuật tinh xảo nhất. Đây là loại trống Trống Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I). Điển hình là trống Ngọc Lũ I.

Vì thế danh xưng Đông Sơn nói tổng quát là một nền văn hóa đồ đồng đặc thù thấy ở vùng Đông Nam Á, trong đó đồ đồng của đại tộc Đông Sơn ở Việt Nam chiếm nhiều và mỹ thuật nhất. Còn nói riêng về trống đồng thì danh xưng trống đồng Đông Sơn còn dùng để chỉ loại trống Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I) tìm thấy nhiều ở châu thổ sông Hồng tức là trống biểu của Việt Nam.

Vì vậy có sự hơi khác biệt giữa danh xưng đồ đồng Đông Sơn tổng quát và danh xưng trống đồng Đông Sơn. Cần phải lưu tâm điểm này.

Dù gì thì danh xưng Đông Sơn cũng xác thực là nền văn hóa Đông Sơn và nhất là trống Đông Sơn là của Việt Nam nói riêng hay của Bách Việt nói chung.

(đón xem phần 2 trong số blog tới).

Leave a comment