HỒ ĐỘNG ĐÌNH (2).

(*Nếu cần, bấm hai lần vào Tựa Bài để mở bài).

 

HỒ ĐỘNG ĐÌNH

(phần 2).

LẦU NHẠC DƯƠNG

Nguyễn Xuân Quang

Thị trấn Nhạc Dương (YueYang) nằm ở phía đông bắc tỉnh Hồ Nam với hồ Động Đình ở phía tây và sông Dương Tử ở phía bắc, cách Trường Sa 150 km. Thị trấn Nhạc Dương nằm ngay bờ hồ. Ngày nay thị trấn Nhạc Dương còn cổng Zhanyue, thành xưa và con phố cổ Bianhe.

Từ ngàn xưa nơi đây đã là chỗ đến viếng và vãn cảnh hồ. Vì thế nhiều triều đại Trung Hoa đã xây dựng những đền đài ngắm cảnh hồ, làm thơ, uống rượu, gỉải trí, tu dưỡng… Thị trấn Nhạc Dương nổi tiếng với Lầu Nhạc Dương (岳阳楼 Yuèyánglóu).

Lầu Nhạc Dương là một tháp lầu nổi tiếng suốt bốn triều đại của Trung Hoa gọi là Tứ Đại Danh Tháp Trung Quốc.

Vào thời Tam Quốc, tướng Lỗ Túc (Lusu) nhà Đông Ngô đã dùng Lầu Nhạc Dương làm nơi duyệt binh. Năm Kiến An thứ 20 (215) Tôn Quyền và Lưu Bị trang giành đất Kinh Châu. Tướng Lỗ Túc dẫn quân đóng tại vùng chiến lược Ba Khâu tại hồ Động Đình luyện tập thủy quân, xây thành Ba Khâu. Bên hồ Động Đình ông cho xây một lầu tháp để duyệt thủy quân gọi là Duyệt Quân lâu. Thời nhà Tần và Nam-Bắc Triều, Duyệt Quân lâu đổi tên là Ba lăng thành lâu. Đến thời nhà Đường, Ba lăng thành lâu được xây lại gọi là Nhạc Dương lầu (vi.wikipedia).

Lầu này có lối kiến trúc kiểu nhà Đường. Lầu bị phá hủy nhiều lần nhưng được xây dựng lại bởi các triều đại về sau. Lầu Nhạc Dương là một kho tàng về kiến trúc ghi lại các kiểu kiến trúc qua nhiều triều đại của Trung Hoa. Qua các tranh cổ các kiến trúc này được lưu trữ lại. Một công viên tại đây trưng bầy những mô hình Lầu Nhạc Dương bằng đồng thau qua năm triều đại (Five Dynasty Bronze Towers). Những mô hình lầu đồng thau này được coi là lớn vào bậc nhất Trung Hoa,

Lầu Nhạc Dương đời Đường (ảnh của tác giả).

Lầu Nhạc Dương thời Tống (ảnh của tác giả).

Lầu Nhạc Dương thời nhà Nguyên (ảnh của tác giả).

Lầu Nhạc Dương thời nhà Minh (ảnh của tác giả).

Lầu Nhạc Dương thời nhà Thanh (ảnh của tác giả).

Tôi ghi lại đây hình ảnh những mô hình các Lầu Lạc Dương của 5 triều đại Trung Hoa này để cho thấy các lầu này đều xây theo vũ trụ quan có hình Tam Thế của Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo. Lưu ý vào đời Đường lầu chỉ có hai tầng, ‘tầng’ nền trên mặt hồ nước coi như là Hạ Thế, cõi dưới, cõi nước, cõi âm hãy còn giữ theo chính thống. Trong khi vào các đời sau lầu đã xây với ba tầng trên mặt đất nên tầng dưới cùng coi như là hạ thế ở trên mặt đất không còn chính thống ở dưới nước nữa.

Hình trang trí trên nóc nhà của lầu vào đời Đừơng, đời Tống có hình con cá (có lẽ là loài cá anh vũ, một loại cá chép là loài cá có thể hóa long, đã thể điệu hóa, thần thoại hóa chút ít). Thoạt khởi thủy, con người dùng các loài vật có trong thiên nhiên làm vật tổ nên rắn nước, cá (chép) biểu tượng cho nước, cõi nước, hạ thế. Về sau theo dòng văn minh, con người thần thoại hóa, linh vật hóa các vật tổ, vật thờ thiên nhiên thành các linh vật. Rắn, cá chép hóa rồng vì thế mà tới đời nhà Thanh, hình tượng ở đầu mái lầu đã có hình rồng.

Tuy nhiên để ý con rồng ở đây thân và đuôi có móc sóng cuộn, đầu còn mang hình ảnh đầu cá, sừng rất nhỏ mang âm tính cho thấy rồng này là rồng nước. Điểm này ăn khớp với khuôn mặt âm, nước của Long Vương, vua hồ Động Đình.

Sự biến hóa từ cá đời Đường sang rồng đời Thanh cho thấy nền văn hóa rồng là nền văn hóa đã muộn so với nền văn hóa rắn nước, cá chép. Những nền văn hóa dựa vào các linh vật như văn hóa Trung Hoa dựa vào Long Li Qui Phượng là những nền văn hóa muộn.

Ở đây cũng cho thấy nền văn hóa cá nguyên thủy của dân bản địa tức của Bách Việt có thể đã bị Trung Hoa hóa thành văn hóa  rồng.

Nền văn hóa Tiên Rồng của chúng ta là nền văn hóa muộn sau này so với nên văn hóa Chim Rắn của cổ Việt thấy trên trống đồng của đại tộc Đông Sơn. Chúng ta nên trở về lấy nền văn hóa Chim-Rắn làm gốc, còn dùng hai từ Tiên Rồng chỉ là một cách nói hoa mỹ cho đẹp mà thôi, nếu không muốn nói là đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Các nhà làm văn hóa Việt Nam hiện nay nên tránh dùng các hình linh vật Long Ly Qui Phượng trang trí cho các kiến trúc thờ phượng Việt như đình chùa miếu, đài tưởng niệm. Nên dùng các vật tổ của chúng ta là Rắn Nước, Thuồng Luồng, Nghê, Rùa Ba Ba, chim Cắt. Nên tránh dùng các hình này vì thứ nhất là nó diễn tả một nền văn hóa muộn không phải là của cổ Việt, thứ hai nó lầm lẫn với văn hóa Trung Hoa, nói tới Long Ly Qui Phượng là thế giới nghĩ ngay và cho đó là của văn hóa Trung Hoa, chúng ta khó lòng mà cãi lại là chúng có nguồn gốc của chúng ta (dù cho đó có là sự thật của chúng ta đi nữa). Nếu bắt buộc phải dùng hình rồng biểu tượng cho Lạc Long Quân thì nên dùng rồng thuộc ngành Rồng Nước có thân rắn uốn khúc hình sóng nước như rồng thời nhà Lý hay rồng có đuôi hình cuộn sóng như thấy ở trên. Lạc Long Quân của chúng ta thuộc dòng Rồng Nước, cháu ngoại của Long Vương ở đây. Rồng Thăng Long là rồng bay lên trời phải dùng hình rồng nước nhưng có bờm gió mang tính cường điệu.

Cũng nên biết hồ Động Đình là nơi ẩn dật của các đạo sĩ theo Đạo giáo, là đất của Đạo giáo nên văn hóa ở đây ảnh hưởng nhiều về thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo (hình đĩa thái cực được cho là của Đạo giáo). Vì thế các lầu ở các đời sau cũng thấy có các kiến trúc của hình quả bầu ở trên nóc (trong kiến trúc, quả bầu nhìn dưới dạng nhất thể có một khuôn mặt là đĩa thái cực). Ta đã biết Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo dựa trên nguyên lý lưỡng hợp nòng nọc, âm dương, khởi đầu từ bầu hư vô, bầu vũ trụ, bầu tạo hóa, bầu tạo sinh, được diễn tả trong kiến trúc bằng hình quả bầu. Khi thấy một kiến trúc tín ngưỡng, thờ phượng nào trên nóc có hình quả bầu thì biết ngay kiến trúc đó theo hay bị ảnh hưởng bởi Vũ Trụ giáo (xem bài viết Vũ Trụ giáo). Nhưng trái bầu ở đây đã thể điệu hóa không còn giữ hình trái bầu âm dương cho thấy Vũ Trụ giáo ở văn hóa Trung Hoa đã biến dạng hay tam sao thất bản không còn giữ được chính thống.

Những điểm biến thái này cho thấy văn hóa Trung Hoa có thể đã vay mượn Vũ Trụ giáo từ bên ngoài, ở các nền văn hóa địa phương mà họ thôn tính, họ đã bị đống hóa, nói rõ ra là bị Bách Việt hóa nên không giữ được thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh một cách chính thống.

Như đã nói Hồ Động Đình là chỗ thần tiên mà bất cứ một văn nhân thi sĩ Trung Hoa nào cũng mơ ước được đặt chân tới viếng thăm. Lầu Nhạc Dương là lầu thơ phú, văn chương. Ngày nay ở đây có một hành lang những bia đá khắc thơ. Những bia đá ghi lại các bài thơ của các lãnh tụ Trung Hoa làm tại đây, tiếp đến là những bài thơ cổ nổi tiếng của các thí bá, thi hào, thi thánh, thi tiên của Trung Hoa như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lưu Vũ Tích, Bạch Cư Dị… rồi tới của các nhà thơ hiện dại vả cuối cùng khắc ghi các điều nói vể Lầu Nhạc Dương.

Tiêu biểu chỉ xin nêu ra đây một ví dụ. Đó là bài thơ tuyệt tác Đăng Nhạc Dương lâu của thi thánh Đỗ Phủ:

Một phần bài thơ Đăng Nhạc Dương Lầu của Đỗ Phủ (ảnh của tác giả).

 

Sau đây là phần chuyển qua Hán Việt, Việt ngữ và ghi chú của anh Nhạn Nam Phi Đỗ Ngọc Thành:

 

《登岳阳楼》杜甫      Đăng Nhạc Dương Lầu Đỗ Phủ

昔闻洞庭水,今上岳阳楼。   Tích Văn Động Đình Thủy, Kim thượng Nhạc Dương Lầu.

吴楚东南坼,乾坤日夜浮。   Ngô sở đông nam tách, Càn khôn nhật dạ phù.

亲朋无一字,老病有孤舟。   Thân bằng vô nhất tự, Lảo bệnh hữu cô châu.

戎马关山北,凭轩涕泗流。   Nhung Mã quan sơn bắc, Bằng hiên thế tứ lưu.

Lên Lầu Nhạc Dương :  登岳阳楼       ( Đỗ Phủ-杜甫)

昔闻洞庭水,今上岳阳楼。Xưa nghe Động Đình Thủy, nay lên Lầu Nhạc                                                                                                                                 Dương.

吴楚东南坼,乾坤日夜浮。Ngô Sở Đông Nam tách, Càn khôn đêm ngày trôi.

亲朋无一字,老病有孤舟。thân hữu không một chữ, già bệnh chỉ xuồng côi

戎马关山北,凭轩涕泗流。   Nhung Mã quan san Bắc, Bên hiên giọt lụy rơi.

Ghi chú:

 

Bài thơ theo thể “ngũ ngôn tuyệt cú”, các chữ Lâu-楼, Phù-浮, Châu-舟, Lưu-流 là vần Chân.

–          昔闻: Tích văn: Xưa nghe

–          洞庭水: Động Đình Thủy: Nước của Động Đình, ý nói “Động Đình Hồ”.

–          今上: Kim Thượng : nay Lên

–          岳阳楼: Nhạc Dương Lầu.

–          吴楚 : Ngô Sở. nước Ngô và nước Sở.

–          东南坼 : Đông Nam Sách: Đông Nam Tách (Tách ra, chia, chẽ…).

–          乾坤 : Càn khôn: trời đất.

–          日夜浮 : Nhật dạ Phù: Ngày đêm trôi, ( Thời gian trôi…)

–          亲朋 :Thân Bằng : Thân quyến và bằng hữu, người thân và bạn bè.

–          无一字 : Vô Nhất Tự : Không một chữ, (không có tin tức khi xa nhau/ Biệt vô âm tín).

–          老病 : Lảo Bệnh: già bệnh.

–          有孤舟 : Hữu Cô Châu: có (chỉ) một thuyền cô đơn.

–          戎马 : Nhung Mã : Ngựa Nhung : Loại ngựa cao to và khõe được nhập vào trung nguyên từ phía tây-âu của người Nhung-戎, thường là dùng cho chiến trận, chiến binh và quan, quân.

–          关山北 : Quan San Bắc : Cữa Khẩu quan bắc miền núi.

–          凭轩 : Bằng hiên : bên hiên, bên dưới mái hiên.

–          涕泗流 : Thế Tứ Lưu : Chảy nước mắt, nước mũi khi khóc, lệ, lụy rơi….

  • Bài thơ nầy tả cảnh và tâm sự khi lên lầu Nhạc Dương, Đỗ Phủ là quan Văn của đời nhà Đường, nhầm lúc loạn An-Lộc-San, chiến tranh ly loạn, ngắm nhìn đầm nước Động Đình mêng mông mà cảm khái cho thân phận người sống trong thời  loạn, không tin tức của bạn bè, ngựa đi quan Bắc hay thuyền đi Động Đình…chỉ cô đơn như chiếc xuồng đơn côi giữa dòng nước cuộc đời; Sở và Ngô là hai nước Đông với Tây ngày xưa cùng chung biên giới và Động Đình Hồ rất lớn, lớn đến nỗi tách chia Ngô và Sở ra làm hai một cách rõ ràng!
  • Hiện nay, có hai phiên bản “Đăng Nhạc Dương Lầu” của Đỗ Phủ được lưu truyền online. Có một bản với câu “Ngô Sở Đông Nam *Tố-” là Sai ! Phải là “Ngô Sở Đông Nam *sách-坼” ; “sách” là theo cách đọc của từ Hán Việt, “Sách-坼” chính là “tách”, Tách, chia, chẻ đôi…trong bài này nghĩa là nước Hồ Động Đình tách hai nước Ngô và Sở ra hai bên rõ ràng. Bài nầy có chữ Nôm là “凭轩-Bên hiên” mà từ Hán Việt đọc là “凭轩-Bàng hiên”.

Bài thơ này đã đuợc Mao Trạch Đông viết lại dưới dạng chữ thảo và được khắc lại trên một bia đá ở đây:

Bài thơ của Đỗ Phủ đã đuợc Mao Trạch Đông viết lại dưới dạng chữ thảo (ảnh của tác giả).

Theo người hướng dẫn viên thì Mao Trạch Đông đã sửa hai chữ “lão bệnh” trong bài thơ này. Có giả thuyết cho rằng lúc viết lại bài thơ này Mao Trạch Đông đã già, đã yếu, đã lẫn rồi nên viết sai như thế. Có giả thuyết lại cho rằng ông cố tình “thay đổi” hai chữ “lão bệnh” ngụ ý cần phải “thay đổi” vì hối tiếc về những điều mình đã làm, thấy cảnh xã hội Trung Hoa trước mắt mình lúc đó chìm ngập trong bạo loạn, trong tang thương khốn cùng mà mình giờ “lão bệnh”, “cô đơn như chiếc xuồng đơn côi giữa dòng nước cuộc đời” . Chữ Hán của tác giả ăn đong, lại còn viết theo chữ thảo thì chỉ thấy bài thơ trông như là một bức tranh cỏ non xinh đẹp với “ngọn cỏ gió đùa” (Hồ Biểu Chánh). Chữ Anh của người hướng dẫn viên cũng chỉ “đong ăn” (nói theo ngữ pháp Trung Hoa), không diễn tả hết được ý trong đầu. Về nhà đành cầu cứu anh Đỗ Ngọc Thành. Theo anh thì bài thơ viết “thảo của Mao Trạch Đông không có thay đổi gì! hai chữ “lảo bệnh” chỉ viết tắt và dính liền nhau, không thay đổi”. Như thế thì quả thật Mao Trạch Đông vốn là một nhà giáo đã từng làm hiệu trưởng một trường sư phạm thì khó mà viết sai (ngoại trừ đã già lẫn). Ông đã chỉ chọn hai chữ “lão bệnh”  duy nhất trong bài thơ mà viết tắt là cố ý để gởi gấm một tâm sự gì lúc đã “lão bệnh” (viết lại một bài thơ tuyệt tác của một thánh thi, có thể bài thơ này hợp với tâm trạng mình lúc đó mà lại viết tắt một cách thiếu tôn kính thì phải là một việc làm có đầy chủ ý).

Nhạc Dương Lầu sau này vang danh lừng lẫy thêm nhờ hai ông Đằng Tử Kinh (Teng Zijing) và Phạm Trọng Yêm (Fan Zhongyan). Đằng Tử Kinh bị vu cáo tham nhũng nên bị “đầy” ra làm tri phủ Nhạc châu. Ông cho trùng tu lại lầu Nhạc Dương. Sau đó mời Phạm Trọng Yêm viết bài Nhạc Dương lâu ký. Bài viết này đã giúp Lầu Nhạc Dương nổi tiếng như cồn khắp Trung Hoa. Trong bài viết của Phạm Trọng Yêm có câu “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Vì thế ở đây có đền thờ hai vị này.

Lầu Nhạc Dương mới ngày nay được xây cất lại năm 2007.


Lầu Nhạc Dương hiện nay.

Trong lầu là một bảo tàng viện lưu trữ các áng thơ văn cổ của các thi nhân, văn sĩ, học giả viết tại Lầu Nhạc Dương, viết về hồ Động Đình, về Lầu Nhạc Dương và những giai thoại, lịch sử về Lầu Nhạc Dương. Không biết bao nhiêu là thơ văn câu  đối. Có một đôi câu đối ngắn nhất của Lý Bạch mà diễn tả hết được cảnh hồ Động Đình:

Thủy thiên nhất sắc (Nước trời một mầu), Phong nguyệt vô biên (Gió trăng không bờ).

Đứng trên hiên tầng cao nhất của Lầu Nhạc Dương nhìn ra thấy hồ mêmh mông, huyền ảo mặc dù đã xế trưa nắng đã lên nhưng vẫn còn mịt mù màn khói sương thu. Xa xa đảo Quân Sơn lờ mờ tô đậm nét hiện dần dần lên với độ nắng lên cao. Đúng như hai câu thơ của Lý Bạch đã diễn tả nói ở trên.

Hồ Động Đình nhìn từ Lầu Nhạc Dương mịt mù trong khói sương thu. Đảo Quân Sơn theo màu nắng vẽ mỗi lúc một thấy hiện rõ đậm nét thêm (ảnh của tác giả).

Lầu có phòng ngắm cảnh hồ, phòng uống rượu, uống trà, phòng ngâm thơ, làm thơ, phòng giải trí….

Bên cạnh lầu là quán đình ghi tên Anh ngữ là Three Drunkards Pavillion (Đình Ba Người Say). Lầu này được xây vào nằm thứ 48 (1776) đời Càn Long nhà Thanh dựa theo truyền thuyết tiên ông Lữ Đồng Tân hay Lã Đồng Tân, một trong Tám Vị Tiên đã say sưa tại Lầu Nhạc Dương ba lần. Trong đình tôi chỉ thấy tranh vẽ một vị tiên đang say rượu, không thấy hình ba vị tiên say.

Thi Tửu Thần Tiên Lã Đồng Tân đang say (ảnh của tác giả).

Có lẽ là dịch sai chăng? Nhiều khi Anh ngữ dùng dịch chữ Hán ở Trung Hoa rất… loạn. Nhìn tên chữ Hán đình có tên là Tam Túy Lầu (三醉亭) có nghĩa là Lầu Ba (lần) Say. Họ đã dịch Tam Túy là Three Drunkadrds, Ba Người Say.

Kểm chứng lại với anh Đỗ Ngọc Thành thì tiên ông 呂洞賓, Lữ Đồng Tân, phiên âm Anh ngữ là Lu Dong Bin (đọc là Luỷa Túng Pín) (trong khi tên ông tiên này thấy khắc trên bảng đá là Ly Dongbin). Lã Đồng Tân được phong là “Thi Tửu Thần Tiên”.

Trong tranh có bài thơ. Bài thơ không có đề tựa, anh Đỗ Ngọc Thành đặt tên là Tiên Bay và chuyển qua Hán Việt, Việt ngữ và giải thích như sau:   

朝游北越暮蒼梧,Triêu Du Bắc Việt Mộ Thương NGô, / Sáng Du Bắc Việt Chiều                                                                                                                                                             Thương Ngô,

袖里青蛇膽氣粗;Tụ Lí thanh Xà đảm khí thô; / Rắn xanh trong tay áo mệt khô;

三醉岳陽人不識,Tam Túy Nhạc Dương nhân bất thức, / Ba say Nhạc Dương ai mà biết,

朗吟飛過洞庭湖。Lãng Ngâm phi quá Động Đình Hồ. / Lãng Ngâm bay qua Động Đình Hồ.

(bài thơ được phiên dịch “Nôm” cố sao cho sát nghĩa mà vẫn gói gọn trong câu 7 chữ, nên không đúng luật “Đối” và bằng trắc của thể thất ngôn tứ tuyệt).

Bài thơ này có một chứng tích của cổ sử Đại Tộc Việt.”.  Vùng Động Đình Hồ ở giữa Hồ Bắc và Hồ Nam của nước Sở. Câu thơ “sáng du Bắc Việt chiều Thương Ngô” (朝游北越暮蒼梧, Triêu Du Bắc Việt Mộ Thương Ngô, Thương Ngô-蒼梧 là một tên gọi khác của nước Sở, đó là “địa danh” ở phía Nam của Bắc Việt) cho thấy rõ ràng  “Sở” là “Việt (xem hồ Động Đình Và Truyền Thuyết Việt).

Đình ngày nay được xây lại vào năm 1867. Rõ ràng là có tiên hiện ra ở hồ Động Đình. Đất hồ Động Đình là đất của Đạo giáo, của thần tiên. Dĩ nhiên đình này là nơi say sưa của các tiên ông phái Lưu Linh.

Ngoài ra còn có Tiên Mai đình, đền Tưởng Nhớ Phạm Trọng Yêm và Đằng Tử Kính (như đã nói)…

Một vài điểm khác biệt thấy ở đây cũng cần nói tới. Những thú biểu ở đây được diễn tả khác những nơi khác. Ngoài tứ linh Long Ly Qui Phượng còn thấy những thú biểu không thấy ở những nơi khác và được diễn tả một cách rất thi vị hơn:

.Lân cho con bú.

Lân cho con bú (ảnh của tác giả).

.Hươu chổng mông nhìn trời.

Hươu là thú chủ (host) của linh thú nghê hay kì (trong cặp kì lân), linh vật biểu tượng của Kì Dương Vương ngành nọc, dương, Lửa Viêm Đế, Đế Minh.

Thú biểu hươu (ảnh của tác giả).

Ở đây còn thấy thêm các thú biểu ít thấy ở nơi khác như:

.Thỏ

Thỏ chổng mông ngắm trời mây (ảnh của tác giả).

Thỏ biểu tượng cho mặt trăng, một khuôn mặt của Lạc Long Quân, ngành nòng âm nước Thần Nông, Long Vương.

.Voi

Tượng voi có mặt nhiều ở đây mà ít thấy ở những nơi khác.

Tượng voi trước đền Dương Phi (ảnh của tác giả).

Voi ngồi ngắm cảnh hồ trông buồn rười rượi

(ảnh của tác giả).

Điểm này cho thấy ngày xưa ở đây có voi. Thật vậy, một phần đất của Hồ Nam thời nhà Tần thuộc về Tượng Quận.

Vãn cảnh xong, chúng tôi trở lại Lầu Nhạc Dương, tìm một góc lầu cao ngồi uống Ngân Châm trà ngắm hồ để hồn mình lâng lâng trôi theo dòng truyền thuyết, theo dòng huyền thoại của Đại Tộc Việt. Phải tới đây. Ngồi đây để thấy những dầu vết của truyền thuyết và cổ sử Đại Tộc Việt hãy còn bao nhiêu là chứng tích hiện hữu ở nơi này. Bách Việt giờ đang trên bờ tận tuyệt. Nghĩ về quê hương Việt Nam, một tộc Việt duy nhất còn tồn tại, giờ cũng đang lâm nguy,  có nguy cơ bị diệt vong mà lòng thấy tan nát…

Hồn thơ trổi dậy dạt dào, lâu lắm rồi không làm thơ. Nhưng chiều nay, bên hồ Động Đình, cội nguồn của Đại Tộc Việt, tôi lại thấy say say trong men thơ.

Ghi vội mấy vần thơ, để rồi trên đường về sẽ chuốt lại:

Chiều nay mang đầy hồn huyền thoại,

Ta xuôi dòng rêu phong truyền thuyết,

Về thăm Động Đình hồ,

Nơi cội nguồn tộc Việt.

Hồ Động Đình. Động Đình hồ.

Diễm ảo thu sắc,

Vẽ tranh hồ huyễn hoặc.

Khói sương thu thủy mạc huyền mơ.

Ven bờ,

Rừng chổi cờ lau sậy,

Theo gió thu phe phẩy quét sương mờ.

Mặt hồ ẩn hiện,

Mênh mông. Mênh mông. Mênh mông.

Bao la như biển vũ trụ.

Núi Động Đình, mây phủ.

Mây gối mây bềnh bồng.

Như Núi Trụ Trời chống đỡ hư không.

Nước, đất, trời dựng cảnh thiên thai,

Nước, đất, trời dựng cảnh bồng lai.

Văng vẳng nghe bên tai,

Trong gió thu,

Gió Động Đình mẹ ru con ngủ,

Ru hời, à à ơi,

Ngày xửa ngày xưa, thời vừa sáng thế,

Kì Dương Vương, Vua Người Mặt Trời Xích Quỉ,

Xuống thủy cung,

Kết duyên cùng Thần Long,

Con gái Vua Rồng Động Đình Quân.

Sinh ra Sùng Lãm, vương hiệu Lạc Long Quân.

Linh khí âm dương hòa hợp,

Rồng Lạc Long và Chim Âu Cơ thành vợ thành chồng.

Cha Nước Biển, Mẹ Lửa Non,

Hôn phối âm dương thành bầu Trứng Vũ Trụ, càn khôn.

Đẻ ra bọc Trứng Thế Gian,

Sinh ra trăm Lang ngành mặt trời,

Nòi Mẹ chim, năm mươi người lên núi,

Dòng Cha rắn, năm mươi người xuống biển ngàn khơi.

Dựng nên triều Hùng Vương,

Dòng vua thái dương rạng ngời.

Tổ tiên Người Mặt Trời Bách Việt.

Biên cương nước Văn Lang.

Phía Bắc tới hồ Động Đình,

Tới tận dòng Trường Giang,

Phia Tây giáp Tứ Xuyên Ba Thục,

Phía Đông giáp Nam Hải,

Phía Nam xuống mãi tận Hồ Tôn Chiêm Thành.

Ôi Bách Việt một thời hùng anh!

Chiều nay mang đầy hồn huyền thoại,

Ta xuôi dòng rêu phong truyền thuyết,

Về thăm Động Đình hồ,

Nơi cội nguồn tộc Việt.

Mà thấy tả tơi trong lòng,

Mà thấy nước mắt hoen tròng,

Bách Việt giờ đang tận tuyệt.

Việt Nam giờ, nguy cơ diệt vong.

Việt Nam ơi! Hỡi Việt Nam ơi!

Hỡi dòng giống Việt Mặt Trời,

Dòng giống hào hùng oanh liệt,

Hãy bảo tồn truyền thống Việt,

Hãy vùng lên giữ vững giang sơn,

Đời đời bất diệt,

Cùng mặt trời,

Muôn năm còn mãi rạng ngời.

Biết chắc rằng bài thơ này không thể nào được khắc để lưu lại tại đây, tôi thả những câu thơ làm tại đây xuống hồ Động Đình.

(Hết phần tổng quát, đón xem tiếp bài viết hồ Động Đình Và Truyền Thuyết Việt ở số tới).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

.Các tài liệu quảng bá du lịch của Trung Quốc và các sách du lịch.

.vi.wikipedia.

 

 

 

 

 

 

 

3 comments

  1. _ Thích Nhất là phát giác câu thơ của Tiên nhân Lữ Đồng Tân – qua đó khẳng định được là đất Việt, người Việt, văn hóa Việt, chữ Việt ngày xưa đã ở đâu và như thế nào :
    _ 朝游北越暮蒼梧,
    -Triêu Du Bắc Việt Mộ Thương NGô,
    -(Sáng Du Bắc Việt Chiều thương ngô).

  2. Muốn đến nhạc dương thì phải đi như thế nào ạ.

    1. Quang Nguyen · · Reply

      Lúc đó chúng tôi đi theo cách riêng tư, tự hoạch định lộ trình Theo Dấu Chân Tổ Việt và nhờ công ty du lịch thực hiện dùm. Lấy máy bay đến Thượng Hải rồi dùng máy bay nội địa tới Hồ Nam (Hunan). Sau đó dùng xe hơi riêng với tài xế riêng của công ty du lịch tới Động Đình Hồ và đi xuống phía nam tới Thác Bản Dốc.
      Nguyễn Xuân Quang
      bacsinguyenxuanquang.wordpress.com

Leave a comment