“Du Ký” Ai Cập

(*Nếu cần, bấm hai lần vào Tựa Bài để mở bài).

TRĂNG THU TRÊN KIM TỰ THÁP

                        Tạp ghi Nguyễn Xuân Quang

Tôi mơ ước đi Ai Cập từ lâu. Tôi muốn viếng thăm Ai Cập ngay từ khi nghiên cứu truyền thuyết, cổ sử Việt và khám phá ra chữ viết nòng nọc. Trên con đường đi tìm vết tích chữ viết nòng nọc, Ai Cập là một nơi tôi phải đến. Ở nơi này còn nhiều dấu tích rất cổ của chữ viết nòng nọc.

Qua chữ viết nòng nọc viết trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn và trong các linh tự Ai Cập cổ, tôi đã linh cảm có một cái gì liên hệ thật là huyền diệu giữa Việt cổ và Ai Cập cổ. Trong Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt tôi đã so sánh rất nhiều dữ kiện giữa hai nền văn hóa. Có người (nói sau lưng tôi) cho tôi là không tưởng, làm sao tôi có thể so sánh truyền thuyết Việt cổ với Ai Cập cổ được. Tôi phải viếng thăm Ai Cập để khai sáng hồn Việt cổ và hồn Ai Cập cổ. Ai cũng biết rõ đi du lịch Ai Cập bây giờ đâu có khó khăn gì. Nhưng có một điều tôi lo ngại là vấn đề an ninh. Không phải vì sợ chết mà vì sợ những điều mình muốn viết ra, nhất là về trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn, không hoàn tất được trước khi mình chết. Vì thế sau khi xuất bản xong hai tập đầu Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á, tôi quyết định lên đường đi Ai Cập, không còn e ngại gì về vấn đề anh ninh nữa.

Vợ chồng chúng tôi chọn đi vào mùa mát, mùa thu của xứ Ai Cập và tránh mùa lễ Ramadan ở đây. Cũng may là chúng tôi đã phải ghi tên đi từ trước nửa năm nên vào phút chót không đổi ý được. Trước ngày lên đường một tuần, có tin loan báo là gần hai chục du khách ngoại quốc bị bắt cóc ở một vùng sa mạc ở Ai Cập, cách một chỗ chúng tôi sẽ đi qua chừng vài chục cây số. Trước đây cũng đã có một hai vụ khủng bố vào du khách ở Ai Cập. Không thể đổi ý được nữa và cũng không cần phải hoãn lại chuyến đi. Chúng tôi lên đường. Tôi phải đi Ai Cập để nhìn tận mắt, sờ tận tay những hình bóng của cổ Việt, chiêm bái hình bóng của Mẹ Tổ Âu Cơ, Cha Tổ Lạc Long Quân, của Tổ Hùng Vương và đi theo con đường của chữ viết nòng nọc… Chuyến đi Ai Cập là một chuyến đi ngược dòng thời gian hàng ngàn năm về trước theo dòng truyền thuyết và cổ sử Việt. Một chuyến đi trên con đường tìm dấu tích chữ viết nòng nọc.

Egyptian Air với đôi cánh chim ưng của thần Horus, lướt bay êm đềm. Sau một chuyến bay dài, thoải mái, chúng tôi đến Cairo.

Bước vào phi trường, phảng phất một bầu không khí chiến tranh như ngày nào ở Việt Nam. Lính hở và lính kín khắp nơi. Trên xe bus của chúng tôi cũng có một chàng “cảm tử quân” chìm ngồi ở hàng ghế đầu để lòi khẩu súng liên thanh tối tân loại bỏ túi ra khỏi bên áo veston. Tôi chọn một chỗ ngồi gần cuối xe tránh xa anh chàng này và ngồi về phía lòng đường. Bọn khủng bố chắc chắn phải bắn hạ anh chàng này trước. Ngồi gần nếu có chuyện gì thì chắn chắc là ăn đạn chung. Ngồi phía lòng đường để tránh bom gài đặt bên lề đường…

Nhưng rồi nền văn minh huy hoàng cổ đại của Ai Cập đã khiến tôi quên hết mọi hiểm nguy. Tôi đã đi dọc dòng sông Nile, đi dọc theo chiều dài của truyền thuyết và lịch sử Ai Cập cổ. Cổ sử Ai Cập còn nguyên vẹn sau hơn năm ngàn năm. Đó là nhờ nhiều lý do. Trước hết nhờ khí hậu sa mạc nóng và khô không làm hư hại những chứng tích lịch sử. Các văn kiện khắc trên vách đá kim tự tháp (Pyramid text), trên quan tài (Coffin text), trên giấy papyrus (Papyrus text) còn gần như nguyên vẹn, kể cả mầu sắc từ mấy ngàn năm trước. Thứ đến nhờ tất cả các vua mặt trời Pharaohs đều nhận mình là dòng dõi, con cháu của thần mặt trời tạo hóa Ra (hay Re), một vị thần mặt trời tối cao tối thượng. Tất cả các đền đài, những kiến trúc thờ phượng đều có hình bóng của thần Ra (Atum-Ra, Amon-Ra, Horus-Ra), vì thế các đời vua Pharaohs dù có thù nghịch nhau họ vẫn giữ nguyên lại những đền đài, lăng tẩm, họ không san bình địa đi như thấy trong lịch sử Việt Nam. Họ chỉ xây thêm những kiến trúc của riêng họ, bồi đắp vào những kiến trúc đã có. Kế đến là nhờ vào đức tin tín ngưỡng của các vua Pharaohs, họ tin rằng một người chỉ cần mất tên, mất hình dạng là coi như bị hủy diệt. Vì thế chỉ cần đục bỏ tên, đục bỏ mặt kẻ thù thế là họ đã tiêu diệt được kẻ thù, đã trả được thâm thù. Họ chỉ cần khắc tên và khắc hình ảnh mình thay vào, chỉ cần thế là đã đủ chiến thắng vinh quang rồi.

Tất cả các Pharaohs đều lấy vương hiệu theo các vị thần trong truyền thuyết. Các vị Pharaohs đều có thật qua hình ảnh các lăng mộ, qua các xác ướp. Vì thế truyền thuyết Ai Cập cổ dù là thần thoại nhưng rất thật. Huyền sử và lịch sử là hình bóng của nhau. Ai Cập cổ còn lưu lại những chứng sử có thể kiểm chứng được của một nền văn minh cổ đại của loài người. Tôi đã khám phá ra có một sự tương đồng giữa truyền thuyết, cổ sử Việt với truyền thuyết, cổ sử Ai Cập. Vì thế chúng ta có thể tìm thấy những hình bóng của truyền thuyết Việt, ta có thể tìm thấy những mắt xích đã bị mất trong văn hóa cổ Việt, chúng ta có thể tìm thấy những câu trả lời của những khúc mắc của cổ Việt trong Ai Cập cổ. Và ngược lại ta có thể dùng truyền thuyết và cổ sử Việt để hiểu thấu đáo cổ sử Ai Cập mà hiện nay các nhà Ai Cập học thế giới hãy còn hiểu cổ sử Ai Cập chưa tới nơi, tới chốn.

Kim tự tháp là một biểu trưng của Ai Cập cổ. Đến Ai Cập mà không thăm viếng kim tự tháp ban ngày và ban đêm thì coi như chưa trọn vẹn. Ai Cập có khoảng mười kim tự tháp lớn ở Giza, Saqqara, Dashur và Meidum. Đêm nay chúng tôi đi xem show Ánh Sáng và Âm Thanh ở kim tự tháp vùng Giza. Khí hậu sa mạc Giza đêm trăng thu Ai Cập dịu mát. Có lẽ nhờ Giza nằm gần ngay bên bờ dòng sông Nile. Kỹ thuật Laser và âm thanh đã làm sống lại các kim tự tháp. Những người phụ trách đang ca tụng nền văn minh cổ đại huy hoàng của Ai Cập cổ. Nhưng nếu các tác giả Ai Cập này hiểu biết thêm về truyền thuyết Việt và trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn thì họ sẽ hiểu rõ hơn, hiểu chính xác hơn và sẽ còn tự hào hơn về nền minh cổ đại của họ.

Tôi đã thấy và nghe họ nói về Thần Nông hiệu Viêm Đế (chỉ là một nhân vật có hai danh xưng theo nòng nọc, âm dương) qua mặt trời tạo hóa lưỡng tính Ra. Tôi đã thấy và nghe họ nói về Kì Dương Vương qua thần đất Geb, tôi đã thấy và đã nghe họ nói về Lạc Long Quân qua thần Osiris, tôi đã thấy và đã nghe họ nói về Mẹ Tổ Âu Cơ qua nữ thần Isis và tôi đã thấy và đã nghe họ nói về Hùng Vương, tổ phụ của các vua mặt trời thế gian của Việt Nam qua hình bóng Horus, thần tổ của các vua mặt trời Pharaohs… Chủ đạo của văn hóa Việt là nòng nọc, âm dương nền móng của Vũ Trụ giáo có thú biểu là chim-rắn mà các nhà nho ta sau này “chuyển ngữ” qua Hán Việt là Tiên-Rồng. Ai Cập cổ cũng có chủ đạo là lưỡng tính phái như thần Atum-Ra ái nam ái nữ, thần Osiris vừa cai trị cõi dương, vừa cai trị cõi âm, thần Horus có mắt phải là mặt trời (dương), mắt trái là mặt trăng (âm), Ai Cập cổ cũng có thú biểu là chim-rắn. Ai Cập cổ có hai lãnh thổ. Ai Cập Thượng (Upper Egypt) ở vùng núi cao, sa mạc, thượng nguồn sông Nile (trên bản đồ là phía nam) là vương triều có vương miện trắng Chim Kên Kên (cái) (theo truyền thuyết của Ai Cập cổ thì chim kên kên là loài chim có chim cái thụ tinh bằng tinh khí của khí gió, của trời và sinh ra con) và Ai Cập Hạ (Lower Egypt) ở vùng châu thổ sông Nile, nơi đổ ra vùng Địa Trung Hải (trên bản đồ là phía bắc) là vương triều rắn Hổ Mang có vương miện đỏ có chữ viết nòng nọc móc câu có nghĩa là nước dương, nước chuyển động (biển). Ai Cập Thượng Chim Kên Kên cái ở vùng núi, đất khô sa mạc (Lửa) ứng với ngành Tiên tức Chim (cái) ở trên núi, đất cao của ngành Lửa Âu Cơ. Ai Cập Hạ Rắn Hổ Mang ở vùng đất âm có nước, sát bờ biển và tương ứng với ngành Rắn tức Rồng ở vùng đất âm có nước, đồng bằng ruộng nước (Lạc điền) và biển của ngành Nước Lạc Long Quân. Về sau hai vùng thượng và hạ kết hợp lại thành Ai Cập thống nhất giống như nước Âu-Lạc của An Dương Vương. Triều đại đầu tiên thống nhất hai vùng Hạ và Thượng Ai Cập cổ là Narmer Triều Đại Thứ Nhất (3100 BC). Có tác giả coi Narmer là vua tổ của Ai Cập cổ. Tên Narmer được diễn tả theo linh tự (hieroglyph) n’r bằng hình con cá nheo (cá bông lau) hay cá trê (catfish) và m’r bằng hình chiếc chàng, chiếc đục (chisel). Đọc theo dạng nhất thể là con Cá Nheo Đực (dương, mặt trời). Với nghĩa này Narmer thuộc dòng Cá Nước dương hay thái dương thuộc ngành nòng âm (nên nhớ linh tự mẫu tự N diễn tả bằng hình sóng nước) (con cá nheo có râu, ngạnh sắc mang dương tính tương ứng với cá chép cũng có râu. Cá chép có thể hóa rồng. Cá chép là cá biểu của Rồng Nước Lạc Long Quân do đó Narmer là vua Cá Nheo thái dương dòng Nước thái dương mang một hình bóng của Cá Chép, Rồng Nước Lạc Long Quân). Ta cũng thấy Narmer có gốc Việt ngữ na– là nước (xem Gốc Chữ Trong Tiếng Việt Huyền Diệu). N’r, Na-, cá (nheo) ruột thịt với nước như thấy qua từ đôi cá nước (cá = nước, Việt ngữ cá liên hệ với Phạn ngữ aka, –ka, nước, Tây Ban Nha ngữ aqua, nước). Ta thấy rất rõ Nar- = nác, nước, Lạc (nước dương, thái dương). Ai Cập ngữ nag là làng, nahar là sông. Nguyên khởi làng xóm có gốc từ một bờ nước ven sông suối. Làng xóm là một quốc gia thu nhỏ. Điều này giải thích tại sao chúng ta gọi lãnh thổ, quốc gia Việt Nam là nước Việt Nam. Anh, Pháp ngữ nation, nước, quốc gia cũng có cùng gốc na-, nước. Narmer là Vua Cá Nheo thái dương là vua dòng mặt trời Nước. Narmer tương đương với An Dương Vương thống nhất hai ngành Âu Lạc thuộc ngành mặt trời nước Lạc Long Quân. Nếu đọc theo âm dương lưỡng thể thì Narmer là Cá Nheo (nước, âm) và chiếc Chàng (lửa, dương) là vật nhọn, cọc nhọn mang dương tính có một khuôn mặt là chim. Qua từ láy chim chóc ta có chim = chóc. Với h câm chóc là cọc, chim = chóc = cọc. Thái ngữ nokchim. Nok ruột thịt với Việt ngữ nọc. Narmer là cá-chim mang hình ảnh của chim lửa-rắn nước, Tiên-Rồng, Âu-Long, Âu Lạc của chúng ta. Cũng nên biết Ai Cập cổ thuộc ngành Khôn âm, nước (có biển vũ trụ Nun, có mặt trời âm hình đĩa tròn không có nọc tia sáng như mặt trời trên lá cờ Nhật con cháu của thái dương thần nữ Amaterasu, thần mặt trời Ai Cập cổ hàng ngày dùng thuyền mặt trời solar barque đi qua biển vũ trụ từ Đông sang Tây) nên vua tổ Narmer là Vua Cá Nheo thái dương thuộc ngành Nước.

Show chấm dứt, chúng tôi vào tiệm ăn ngồi thưởng ngoạn đêm trăng trên kim tự tháp. Sau những sắc mầu laser huy hoàng và những âm thanh hùng tráng, kim tự tháp lại chìm vào cái tĩnh lặng của đêm sa mạc. May mắn thay đêm nay trăng rất tròn. Sa mạc đêm dưới ánh trăng vàng trải rộng ra tới chân trời như một biển cát vàng lấp lánh, lặng sóng. Mênh mông biển cát vàng. Bao la không trung vàng. Mênh mang vàng. Không có gì che mắt, vài ba ngọn tháp nhô cao lên từ biển cát đang tắm ánh trăng. Ánh trăng sa mạc khô, ấm và dịu như nắng đêm lụa vàng. Dưới ánh trăng huyền ảo những ngọn tháp khoác thêm mầu huyền bí. Ban đêm kim tự tháp lại trở về cái uy nghi, linh thiêng vốn đã có từ ngàn năm xưa. Ban ngày kim tự tháp đã bị ô nhiễm bởi hàng ngàn hàng vạn du khách.

Tôi gọi ly trà hoa dâm bụt, một loại nước uống quốc hồn quốc túy của Ai Cập đã có từ thời Pharaohs. Ánh trăng trên kim tự tháp đầy huyền hoặc khác với ánh trăng trên Vạn Lý Trường Thành nhuốm màu khói lửa chiến chinh, “trống tràng thành lung lay bóng nguyệt” mà tôi đã ghi lại trong truyện ngắn Đêm Trăng Xuân Uống Rượu Trên Vạn Lý Trường Thành và cũng khác với ánh trăng bạc trung thu lung linh như thủy tinh, như pha lê dưới chân rặng Tuyết Sơn Himalaya trên nóc thế giới mà tôi đã từng ngồi uống trà bơ trâu yak ngắm trăng. Hình ảnh kim tự tháp dưới ánh trăng vằng vặc đêm nay là một kinh nghiệm nhớ đời của tôi.

Các Pharaohs theo Vũ Trụ giáo, Mặt Trời giáo tin vào cuộc đời sau khi chết, tin vào tái sinh hay được sống vĩnh hằng nên các vị Pharaohs thời Cựu Vương Triều (Old Kingdom, 2700-2040 BC) Và Trung Vương Triều (Middle Kingdom, 2040-1765 BC) đã xây kim tự tháp làm lăng tẩm cho mình. Kim tự tháp cổ nhất là kim tự tháp có bậc cấp (step pyramid) Zoser (2667-2648 BC) ở Saqqara.

clip_image002

Tác giả và kim tự tháp có bậc cấp Zoser cổ nhất của Ai Cập.

Tất cả các nhà Ai Cập học đều công nhận kim tự tháp này thật sự là một ngôi mả. Tháp có hình khắc, có nhà mồ và phòng thờ dâng cúng lễ vật. Còn các kim tự tháp khác sau này mặc dù cũng có quan tài đá (sarcophagus) nhưng có nhà khảo cổ còn cho rằng có thêm các chức vụ khác như dùng làm đồng hồ mặt trời (sundial), đài thiên văn… Theo tôi, nguyên thủy, thật sự, kim tự tháp có mục đích chính là dùng làm nhà mồ cho các Pharaohs mang trọn triết thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh của Vũ Trụ giáo. Kim tự tháp, nhất là loại có bậc cấp như tháp Zoser mang rõ hình ảnh Núi Trụ Thế Gian, là Trục Thế Giới, đường lên trời. Kim tự tháp tương đương với các nấm mồ, các gò đống của các tộc sơ khai dùng làm nơi chôn cất các tù trưởng, chúng ta có gò Đống Đa, Đống Anh, Đống Hoa, Đống Lã…, các thổ dân Mỹ châu có tộc chuyên đắp gò đống gọi là Mount Builders. Ngày nay thường đắp các đàn cao (như đàn Nam Giao ở Huế), lập đàn bằng tre, gỗ để tế lễ dâng cúng vật tới Tam Thế, vũ trụ, càn khôn. Trụ đâm trâu tức trụ tế vật (sacrifical post) của các sắc tộc Tây Nguyên cũng có cùng một ý nghĩa. Đống, gò, tháp, đàn, trụ tế là hình ảnh của Trục Thế Giới. Đống, tháp mang hình ảnh Trục Thế Giới, núi Trụ Thế Gian, đường lên trời nên dùng làm mồ chôn của các tù trưởng, tộc trưởng, của vua chúa. Linh tự Ai Cập di, “offering”, “vật cúng dường, lễ vật” là di duệ của chữ viết nòng nọc có hình tháp nhọn hình chữ delta, hình ảnh của Trục Thế Giới, Núi Trụ Thế Gian, đường lên Cõi Trên. Tháp có bậc cấp trăm phần trăm là biểu tượng đường lên trời, là cầu thang lên Cõi Trên thấy rõ qua linh tự rued, stairway (cầu thang) cũng có hình tháp có bậc cấp.

clip_image004

Linh tự rued, cầu thang.

[cũng nên biết rued gần cận với Anh ngữ rung là nấc, bực, bậc (thang); thanh ngang của thang và Anh ngữ rung liên hệ với Việt ngữ dừng, theo Tản Đà, ở Phú Thọ thang gọi là dừng]. Cầu thang rued có nghĩa là “stair represents the concepts of resurrestion from the grave and ascencion into the heaven” (cầu thang biểu hiện cho quan niệm phục sinh từ mồ mả và thăng thiên về thiên đường” (Richard H. Wilkilson, tr. 151). Các đồng bóng, ông mo, pháp sư ở Nam Đảo cũng dùng những hình tháp nhỏ có bậc cấp làm đường lên trời thấy rõ qua lời M. Eliade thuật lại: “buổi lên đồng đích thực xẩy ra trong một cái lều tròn hay trong vòng tròn thần kỳ “chúng ta tìm thấy lại cái lều tròn làm bằng lá, trong đó đồng bóng “hala” (người Sakai) hay đồng bóng “poyang” (người Jakun: một biến dạng của từ Mã Lai Á “pawing”) đi vào cùng với người phụ đồng, chúng tôi thấy họ hát cầu nguyện, triệu thỉnh các thần hồn hỗ trợ . . . Trong lều có hai cái tháp nhỏ có bậc cấp, dấu hiệu biểu tượng leo lên trời” (Mircea Eliade, tr.341).

Hiển nhiên tháp có bậc cấp Zoser là cầu thang về Cõi Trên, cõi hằng cửu từ nhà mồ của vua Zoser.

Ta cũng thấy rõ những ý nghĩa này của tháp qua cách cấu trúc của tháp Zoser. Tháp có 6 tầng. Nhưng nếu coi tầng dưới mặt đất là phần nóc của hầm mộ (mastaba) thì tháp chỉ có 5 tầng. Theo Dịch số 5 là số Li, lửa, núi dương, Núi Trụ Thế Gian, Trục Thế Giới. Ma phương phổ thông thường thấy nhất là 5/15 (có số trục ở giữa hình vuông là số 5, tổng cộng ba con số của các chi là 15) là ma phương trục nằm chính giữa 9 ma phương từ số 1 đến số 9 (số 5 là số nằm chính giữa 9 con số : 1,2,3,4, 5, 6, 7, 8, 9). Trong ngũ hành của Trung Hoa sắp xếp theo hình vuông thì hành thổ nằm chính giữa hình vuông ứng với số 5 của ma phương 5/15. Đỉnh tháp stupa của Phật giáo biểu tượng đường về Nát Bàn có 13 bậc là 13 vòng tròn. Số 13 là số Li tầng 2 (13 = 5 + 8) cũng mang nghĩa Trục Thế Giới, đường lên Cõi Trên. Tóm lại số 5 là số trục của 9 con số, biểu tượng cho Núi Trụ Thế Gian, lửa thế gian trong có Trục Thế Giới thông thương ba cõi, là con đường từ Cõi Dưới, cõi âm đi về Cõi Trên (đây là lý do tôi đặt tên trống đồng nòng nọc, âm dương có hình tháp trụ cụt biểu tượng cho cho tượng Đất dương là trống Nguyễn Xuân Quang V tức Heger II). Tháp có năm bậc cấp biểu tượng cho cho Trục Thế Giới là đường lên trời từ cõi âm hầm mộ.

Còn nếu coi tháp zoser có 6 bậc cấp thì số 6 theo dịch là số thành, số hoàn thành của quá trình Vũ Trụ Tạo Sinh do âm dương (2) và Tứ Tượng (4) liên tác với nhau (2 + 4 = 6) tạo ra vũ trụ, muôn sinh, Tam Thế diễn tả bằng Cây Vũ Trụ, Cây Tam Thế, Cây Đời Sống (đây là lý do tôi đặt tên trống có hình cây Nấm Vũ Trụ là trống Nguyễn Xuân Quang VI tức Heger I). Như thế tháp có 6 bậc cấp mang hình ảnh Cây Vũ Trụ, Cây Tam Thế, Cây Đời Sống. Ta cũng thấy rõ về không gian, 6 = 2 + 4, số 2 là hai hướng chỉ thiên (thiên đỉnh zenith) và chỉ địa (rốn đất nadir) theo chiều đứng (trục tung), còn 4 là bốn phương trời (Four cardinal points) của cõi bằng (trục hoành). Về thời gian, theo âm lịch, các yếu tố thời gian đều liên hệ với số 6 và bội số của 6 như một ngày có 6 khắc, một ngày-đêm có 24 giờ (6×4), một giờ có 60 phút, một phút có 60 giây (6×10), một tháng âm lịch có 30 ngày (6×5), một năm có 12 tháng (6×2), có 360 ngày (6×60)… Số 6 là số thành còn gọi là số lão âm, âm già. Già thì chết trở về với vĩnh cửu, với hư vô, trở về số không (số 0). Ta thấy số 6 tiến lên một bước nữa theo chiều số âm, chẵn là số 8 [8 là số Khôn tầng 2, Dịch có 64 quẻ gồm tám chuỗi hay 8 tầng, các số Khôn trong 8 tầng đều có trị số Dịch như nhau ví dụ các số Khôn của 8 tầng là số 0 (tầng 1) = 8 (tầng 2) = 16 (tầng 3) = 24 (tầng 4) = 32 (tầng 5)…, điểm này ta thấy rõ qua 0 độ bách phân Celsius = 32 độ Frenheit]. Số Khôn 8 (số 8 để nằm dùng làm dấu vô cực ∞ trong toán học) = số Khôn 0 nên có nghĩa là vô cực = hư vô. Do đó số 6 là số sinh tạo cuối chu trình sinh tử và trở về hằng cửu, vĩnh cửu, hư vô tức trở về với số 8 = số 0. Điểm này cũng thấy rõ trong Sáng Thế của Thiên Chúa giáo: vũ trụ được tạo ra trong 6 ngày (hiển nhiên Vũ Trụ Tạo Sinh hoàn thành trong 6 ngày ăn khớp với Dịch số sáu là số thành). Như thế tháp hiểu theo có 6 tầng mang biểu tượng sinh tạo, tái sinh, hằng cửu.

Các đời vua sau được chôn ở Valley of The Kings, nơi đây có một ngọn núi giống hệt hình kim tự tháp (ngọn núi kim tự tháp thiên nhiên này thay thế cho việc xây kim tự tháp tốn kém).

clip_image006

Núi hình kim tự tháp ở Valley of the Kings (ảnh của tác giả).

Ngọn núi hình tháp này mang biểu tượng Trục Thế Giới, đường về cõi trên.

Tôi cũng đã chui vào trong lòng tháp lớn Great Pyramid Cheops hay Khufu. Cửa vào kim tự tháp thường ở hướng bắc để đúng theo qui tắc nòng nọc, âm dương là phía bên phải là dương tức hướng Đông mặt trời mọc và phía tay trái là hướng Tây mặt trời lặn. Con đường đi vào lòng tháp, lên dốc thoai thoải đưa đến một lối rẽ qua tay trái là lối dẫn tới phòng nữ hoàng Queen’s chamber (phái nữ âm nên ở phía trái) rồi đến “đại sảnh” (Grand Gallery), phía đầu trên đại sảnh là lối dẫn vào phòng của vua (King’s chamber).

clip_image008

Cấu trúc bên trong của Kim Tự Tháp Lớn Great Pyramid.

Nơi đây chỉ thấy có cái quan tài đá (sarcophagus). Phòng Vua (số 3 trong hình) có nóc cao hình trụ Djed, có một khuôn mặt Trục Thế Giới. Đây chính là hình ảnh của Trục Thế Giới, trục thông thương ba cõi, đây là đường về Cõi Trên từ Cõi âm. Trụ djed ngày nay hiểu theo nghĩa duy tục là bền vững, là cột sống của Osiris, thật ra phải hiểu theo nghĩa nguyên thủy là diễn tả gò đất đội lên từ nước hỗn mang (watery chaos) tạo ra Tam Thế, Núi Trụ Thế Gian trong đó có Trục Thế Giới.

clip_image010

Djed mang hình ảnh cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ, ba tầng trên là Tam Thế. Phòng (mộ) vua trong kim tự tháp này có hình trụ Djed, chính là Trục Thế Giới, đường lên cõi trên.

Ai Cập cổ cũng có Cây Vũ Trụ, Cây Tam Thế, Cây Đời như thấy qua hình sau đây:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

clip_image012

 

 

Cây Vũ Trụ với mặt trời có cánh ở trên, thế kỷ thứ 8 TTL (British Museum, London) (Mandanjeet Singh, f. 29).

Hình mặt trời trên đỉnh Cây Vũ Trụ này của Ai Cập cổ chính là hình ảnh của trống đồng âm dương Nguyễn Xuân Quang loại VI (Heger I), trống có hình Cây Nấm Vũ Trụ và mặt trời ở tâm trống chính là mặt trời ở đỉnh Cây Nấm Vũ Trụ.

Kim tự tháp này cũng còn có một phòng chìm sâu dưới lòng đất (subterranean chamber). Như thế với lối kiến trúc này cho thấy kim tự tháp có chủ đích dùng làm lăng mộ cho các vua mặt trời Pharaohs mang trọn thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh. Kim tự tháp biểu tượng cho Núi Trụ Thế Gian, Cõi Giữa trần gian ứng với Li, lửa thế gian (núi lửa). Điều này thấy rõ qua từ pyramid có gốc Hy Lạp ngữ pyro- là lửa. Trong Núi Trụ thế gian có Trục Thế Giới thông thương ba cõi. Những ý nghĩa khác của kim tự tháp là những ý nghĩa phụ thêm vào sau này.

Tôi đã ngồi kiết già một lúc bên chiếc quan tài đá trong Great Pyramid. Nhưng khi mở mắt ra nhìn lên đỉnh trục thế giới, không thấy Cõi Trên (thật là dễ hiểu vì mình còn sống!). Nhưng tôi đã cảm biết rất rõ một điều là nguồn cội của mình là Man, Mán, Mường, Môn có nghĩa là Người. Người là Tiểu Vũ Trụ, con của Đại Vũ Trụ, của Tam Thế.

Hình bóng Man, Mán, Mường, Người Vũ Trụ hiện thấy rõ trong đôi mắt lấp lánh ánh trăng của pho tượng Great Sphinx, đầu người, mình sư tử. Great Sphinx được cho là đã được tạo ra từ thời Vương Triều Cũ. Tên sphinx là tên Hy Lạp gọi theo tượng sphinx thời Hellen của Hy Lạp, tượng này có khuôn mặt là một người nữ. Hy Lạp ngữ sphinx có nghĩa là “siết cổ” được cho rằng lấy nghĩa từ cách săn và giết con mồi của sư tử (từ sphincter, cơ vòng có cùng gốc nghĩa với sphinx). Hình bóng sphinx đầu người và mình thú cũng thấy nhiều ở Nam và Đông Nam Á. Có rất nhiều truyền thuyết, nhiều giải thích về sphinx này. Có người cho rằng khuôn mặt người của sphinx là khuôn mặt của vua Chepren, người cho xây kim tự tháp kế bên. Nhưng có một chương trình truyền hình Hoa Kỳ trước đây đã dùng máy vi tính “scan” hai khuôn mặt vua Chephren và mặt sphinx và thấy không giống nhau. Có một điều mà tất cả các nhà khảo cổ học đều công nhận là sphinx biểu tượng cho mặt trời, là người mặt trời.

Nhìn Great Sphinx, tôi liên tưởng tới kek, con người đầu tiên trên thế gian này và cũng là con hươu sừng mà James Churward đã đề cập tới. Đây chính là hình bóng của vua tổ thế gian đầu tiên Kì Dương Vương của nước Xích Quỉ (Kẻ Đỏ có nghĩa là con Hươu Sừng Mặt Trời Kì Dương hay Người Mặt Trời). Người có đầu người mình hươu thấy trên thạp đồng Việt Khê chính là hình bóng của Người Mặt Trời sphinx này và họ hàng với các sphinx đầu dê mình sư tử ở đền Karnak…

Vành trăng tròn đã tiến tới ôm đỉnh tháp nhọn. Vòng trăng tròn là nòng âm, tháp nhọn là nọc, dương. Khôn mặt thái âm của nòng trăng là nước (trăng nước) và khuôn mặt thái dương của tháp là lửa. Nước lửa là nòng nọc, âm dương. Nòng nọc, âm dương giao hòa. Một vòng Vũ Trụ Tạo Sinh, một vòng sinh tạo, một vòng nhân sinh lại khởi đầu.

Trên đường về, tôi ôm nửa phần âm của mình sát vào người…

Tài Liệu Tham Khảo

1.Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á (Hừng Việt 2008).

2.Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt (Y Học Thường Thức, 1999).

3.Mircea Eliade, Shamanism, Archaic Techniques of Ectasy, 1964.

4.Tiếng Việt Huyền Diệu (Y Học Thường Thức, 2002).

5.MadanJeet Singh, The Sun, Symbol of Power and Life, harry N. Abrams, Inc. 1993.

6.Richard H. Wilkinson, Reading Egyptian Art, Thames & Hudson, London,1992.

7.James Churchward: The Lost Continent of Mu, 1969 Paperback Library Edition, Coronet Communications Inc.

8. Moustafa Gadalla, Hisrorical Deception, The Untold Story of Ancient Egypt, Bastet Publishing, Erie PA, USA.

 

Leave a comment